xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cán bộ phải luôn đổi mới, sáng tạo

PHẠM PHƯƠNG THẢO (nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM)

Để đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung

T hành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước - đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, hơn lúc nào hết, bộ máy phải vận hành thông suốt, cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, cung cấp dịch vụ hành chính công nhanh nhất đáp ứng sự tăng tốc phát triển của thành phố và yêu cầu, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Tạo sinh khí mới

Kết luận 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung được kỳ vọng sẽ tạo nên sinh khí mới trong hoạt động của cả bộ máy. Tinh thần của Kết luận 14 là khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ chủ động trong làm việc, phát huy khả năng tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn, nút thắt cả trong cơ chế, chính sách, với độ mở lớn là không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng.

Tuy nhiên, kể cả khi có Nghị định 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung vẫn còn một bộ phận cán bộ e ngại, không dám làm. 

Nghị định 73 nêu nguyên tắc là cán bộ, công chức trong thực thi công vụ thực hiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm không trái với quy định của Đảng, văn bản pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan nhà nước cấp trên. 

Trong thực tế, bộ phận còn e ngại không chỉ ở cấp cơ sở mà cả ở các cấp có thẩm quyền cao hơn bởi tình trạng cấp dưới hỏi, cấp trên không trả lời hoặc xin ý kiến lòng vòng… vẫn diễn ra.

Nguyên nhân chính của thực trạng nói trên chủ yếu là do nhiều quy định pháp luật chồng chéo, xung đột. Nếu làm theo luật này thì trái với luật kia khiến cán bộ có thể bị xử lý, dẫn đến tình trạng lừng khừng, né tránh, không dám làm vì sợ bị quy "cố ý làm trái", rất rủi ro. Trước đây, nhiều cán bộ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung (không vụ lợi, không tham nhũng) thường không bị xử lý kỷ luật và gần như không bị xử lý hình sự.

Nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là quy trình thực thi công vụ chưa rõ ràng. Việc giải quyết công vụ, dịch vụ hành chính công hiện nay thường qua chuỗi. Với một chuỗi công việc, có nhiều cán bộ, công chức và cơ quan tham gia nhưng lại không quy định cụ thể cá nhân, cơ quan chịu trách nhiệm việc gì, tới đâu nên khi phát hiện có sai thì cả chuỗi phải cùng chịu trách nhiệm. 

Trong thực tế, đã có những trường hợp bị xử lý vì tham gia chuỗi công việc có sai phạm, có không ít trường hợp không chứng minh là có tham nhũng. Chính vì vậy, nhiều cán bộ, công chức không dám làm và cho rằng thà bị kỷ luật còn hơn bị khởi tố, ảnh hưởng nặng nề đến thanh danh, gia đình, dòng họ.

Cán bộ, công chức UBND quận 3, TP HCM hướng dẫn người dân làm hồ sơ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cán bộ, công chức UBND quận 3, TP HCM hướng dẫn người dân làm hồ sơ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cần tạo chỗ dựa, niềm tin cho cán bộ

Để xử lý điểm nghẽn trong vấn đề chồng chéo của các văn bản pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật, cấp trung ương cần tập trung rà soát, chỉnh lý cho phù hợp với thực tiễn. Trên cơ sở đó, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật. Và để xử lý nhanh, với thẩm quyền của mình, Quốc hội có thể ban hành một luật để sửa những điểm chồng chéo trong các luật có liên quan.

Trong khi chờ đợi chính sách pháp luật được chỉnh sửa, cán bộ, công chức làm theo cách áp dụng văn bản có giá trị pháp lý cao hơn và văn bản pháp luật ban hành mới nhất, có lợi cho dân. Trong những trường hợp cấp thiết phải xử lý công việc vì lợi ích chung, ở địa phương, HĐND, UBND chịu trách nhiệm giải quyết sau khi xin ý kiến cấp ủy và báo cáo với cấp trên.

Để Kết luận 14 nhanh chóng đi vào thực tiễn, phát huy tác dụng tích cực, thiết nghĩ các cấp lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, cần sâu sát thực tiễn, lắng nghe và thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn của cơ sở, ghi nhận những đề xuất, đổi mới, sáng tạo từ cơ sở, dám tháo gỡ điểm nghẽn và làm chỗ dựa, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Tăng cường chỉ đạo thực tiễn, nhân rộng điển hình năng động, sáng tạo, từ đó rút kinh nghiệm chỉ đạo chung sẽ thúc đẩy tiến độ xử lý công việc.

TP HCM là nơi có truyền thống năng động, sáng tạo, đang triển khai xây dựng mô hình chính quyền đô thị - nơi có thực tiễn sinh động nhất, cũng là nơi đang có nhiều điểm nghẽn cản trở sự phát triển đi lên. 

Tin rằng quá trình thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, nhất định TP HCM sẽ có những đề xuất tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cũng như tiếp tục đề xuất những cơ chế, chính sách mới cho sự phát triển của TP HCM và cả nước như đã từng góp phần quan trọng vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng ta.

Chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung là chủ trương đúng cần được thể chế bằng chính sách pháp luật, cần được các cấp lãnh đạo, người đứng đầu tạo chỗ dựa, niềm tin và điều kiện cần thiết để cán bộ, công chức, viên chức tích cực đổi mới, sáng tạo và dấn thân tạo nên xung lực mới, bước tiến mới ở giai đoạn phát triển mới, xứng đáng với sự trao gửi tin yêu của nhân dân. 

Không thể cứ lúng túng mãi

Người dân cho rằng không thể cứ lúng túng mãi trong việc xử lý những vấn đề đặt ra liên quan đến cuộc sống như câu chuyện nhà xây dựng nhỏ hơn giấy phép (dưới 1 m2, có trường hợp nhỏ hơn chỉ 0,1 m2) nên không được hoàn công và bị "treo" sổ hồng nhiều năm liền.

Theo Nghị định 139/2017, trường hợp xây dựng nhà nhỏ hơn giấy phép xây dựng được xem là xây dựng sai phép bị phạt tiền và phải tháo dỡ công trình. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã có báo cáo hướng xử lý gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và vẫn phải chờ.

Về quy trình thực thi công vụ, UBND TP HCM có thể ban hành quy chế về quy trình thực hiện (qua đề xuất của Sở Nội vụ). Từ đó, từng cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy chế nói trên để xây dựng quy trình thực hiện một cách minh bạch theo từng đầu việc với trách nhiệm rõ ràng cho từng khâu, từng người thực hiện.

Chịu trách nhiệm cụ thể vì mục đích chung

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Chính phủ ban hành Nghị định 73 rất kịp thời, giúp cụ thể hóa các nội dung bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tại tỉnh Quảng Nam, thời gian qua các cơ quan đã thanh tra, kiểm tra, chỉ ra những sai phạm ở một số đơn vị, tổ chức, cá nhân. Điều này giúp địa phương nhận ra các hạn chế để khắc phục. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có tình trạng một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến công việc bị đình trệ, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Trong năm 2024, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khắc phục điểm nghẽn mà lâu nay địa phương gặp phải để giảm thiểu sự phiền hà cho người dân, DN. "Đây là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2024 nhằm giải phóng sức làm việc, năng lượng, tiềm năng của Quảng Nam để đưa vào phục vụ sự phát triển của tỉnh" - ông Lê Trí Thanh nói.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện nay tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết hậu thanh tra, kiểm tra. Một số dự án đang dừng hoạt động vì chưa có hướng xử lý. Bên cạnh đó, có hơn 150 kiến nghị của các DN gửi UBND tỉnh; trong đó có nhiều vướng mắc về việc xác định giá đất để hoàn thành nghĩa vụ tài chính, vướng về quy hoạch chung TP Nha Trang…

Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho DN, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ nghiên cứu xây dựng kế hoạch và sớm triển khai Nghị định 73 theo hướng cán bộ nhà nước phải đồng hành với người dân, DN.

"Chúng ta xử lý như thế nào khi các dự án phải xác định lại giá đất? Xử lý như thế nào khi điều chỉnh lại quy hoạch? Xử lý ra sao khi điều chỉnh lại giấy chứng nhận đầu tư? Nếu chúng ta thống nhất thì họp và tất cả cùng ký tên vì sự phát triển của tỉnh. Tất cả cùng ký vào và cam kết làm vì lợi ích của người dân, vì sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cái này phải mạnh dạn làm" - ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, để giải quyết một vấn đề cụ thể cần làm rõ trách nhiệm của các thành viên tham gia. Các thành viên sẽ chịu trách nhiệm cụ thể vì mục đích chung, không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và hợp thức hóa cho sai phạm. Có như vậy mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

T.Thường - K.Nam


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo