Họ sống một cuộc đời bình dị bên gia đình, con cháu. Có người may mắn gia cảnh khá giả, cũng có người phải chật vật mưu sinh. Nhưng dù giàu hay nghèo thì khi gặp nhau, họ vẫn tay bắt mặt mừng, vui cười, thắm thiết tình đồng chí, tình đồng đội.
Những cuộc họp mặt như thế thường diễn ra vào ngày kỷ niệm 30-4, 27-7, 2-9, 22-12... hay sinh hoạt tháng. Họ cần có nhiều sân chơi hơn ngoài những cuộc họp mặt để giao lưu, học hỏi, ôn lại kỷ niệm xưa cũng như giải trí tuổi xế chiều.
Hội cựu chiến binh ở xã, huyện, tỉnh có thể tổ chức những cuộc thi văn nghệ, thơ ca, hội họa, sáng tác văn học… với chủ đề về quân đội, đất nước, quê hương để các cựu chiến binh trổ tài thi thố, trải lòng trên từng trang viết.
Hay những cuộc thi chụp ảnh, quay clip ghi lại những khoảnh khắc thường nhật, giúp các cựu chiến binh làm quen với những điều mới mẻ, sáng tạo, tiếp cận công nghệ thuần thục. Giải thưởng tuy nhỏ nhưng giá trị tinh thần chắc hẳn là to lớn, hạnh phúc với các chú, bác.
Đó cũng có thể là những chuyến tham quan đến những địa danh lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam hay tổ chức những chuyến đi về nguồn, về thăm chiến trường xưa nhằm ôn lại kỷ niệm gian khó một thời, để chia sẻ khoảnh khắc hào hùng thời chiến.
Cũng có thể dẫn theo con, cháu để kể cho thế hệ trẻ nghe, hiểu cha ông đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh để giải phóng đất nước, giành được độc lập tự do cho dân tộc. Thông qua đó, lớp trẻ được trải nghiệm sâu sắc, biết uống nước nhớ nguồn, viết tiếp câu chuyện lịch sử cho thế hệ mai sau...
Đặc biệt, những chuyến tham quan sẽ là cầu nối giúp cựu chiến binh gặp lại những đồng đội năm nào từng vào sinh ra tử. Tùy vào kinh phí từng địa phương mà có những chuyến đi xa, gần khác nhau. Nguồn phí có thể từ quỹ hội, cá nhân hoặc vận động xã hội hóa.
Tạo những sân chơi tích cực cho cựu chiến binh là hành động thiết thực và bổ ích, giúp cho các chú, bác được giao lưu vui vẻ, yêu đời hơn trong cuộc sống. Đây cũng là cách để tri ân những người con quên mình vì quê hương, đất nước.
Bình luận (0)