Dẫn chứng như thế để thấy luật pháp một số nước trong khu vực rất nghiêm khắc với việc hạ cây xanh ở đô thị, trong bối cảnh mật độ dân số ngày càng tăng. Họ lập các khu bảo tồn cây xanh ngay giữa lòng đô thị để các nhà thầu công trình hạ tầng không được xâm hại mảng xanh vốn ngày càng ít.
Câu chuyện liên quan tại TP HCM, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM vừa gửi báo cáo đến Sở Giao thông Vận tải về việc xây dựng tuyến Metro số 2 phải đốn hạ, di dời 453 cây xanh (trong đó đốn hạ 404 cây). Trong báo cáo trên, số cây bị đốn hạ chỉ là một con số nhưng ngoài thực tế, số cây trên có thể tạo thành một khu rừng nhỏ, với nhiều cổ thụ.
Phải khẳng định rằng những năm gần đây, chúng ta càng ngày càng thấy giá trị của cây xanh và tìm mọi cách bảo vệ. Thế nhưng, đáng buồn là diện tích cây xanh lại ngày càng thu hẹp, đặc biệt là các đô thị. Theo số liệu nghiên cứu từ Bộ Xây dựng, quy chuẩn diện tích cây xanh đô thị phải đạt từ 4-7 m2/người. Trong khi đó, tỉ lệ đất cây xanh tại TP HCM chỉ 0,55 m2/người, kế đến là Hà Nội 2,06 m2/người, Đà Nẵng 2,4 m2/người, Hải Phòng 3,41 m2/người…
Mô típ làm đường, mở rộng đường - chặt cây đã khá quen thuộc ở các đô thị. Những con đường mới được nâng cấp ngày ngày phơi mình dưới cái nắng chói chang khiến nhiều người không khỏi tiếc những bóng mát trước đây do cây xanh mang đến trên con đường này.
Theo các kết quả nghiên cứu khoa học được đăng trên Báo điện tử Chính phủ, cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,3-3,9 độ C khi diện tích đất cây xanh đạt 20%-50% diện tích đất đô thị. Hiệu quả tổng hợp của bóng mát và bay hơi có thể làm giảm 17%-57% năng lượng cần thiết cho hệ thống điều hòa không khí khi tăng 25% diện tích che phủ thảm thực vật. Cây xanh đô thị có thể hấp thụ từ 40%-50% cường độ bức xạ mặt trời... Quan trọng như thế nên việc bảo vệ cây xanh là vô cùng cấp thiết.
TP HCM có khí hậu thuận lợi, hệ thống sông, kênh chằng chịt, hầu như không có bão tố nên rất thuận lợi cho việc phát triển cây xanh. Đáng tiếc, sự tập trung phát triển đô thị quá nhanh đã bỏ qua một vấn đề quan trọng khác là xây dựng mảng xanh tương ứng.
Lập dự án giao thông nhưng cứ gặp cây là đốn hạ thì quá đơn giản, cần phải tính toán thế nào để dưỡng được cây, để khi công trình hoàn thành đem cây trở lại với đường. Đây mới là việc cần phải tính toán thấu đáo và quyết liệt thực hiện.
Xa hơn, khi tiến hành quy hoạch ắt hẳn phải có giải pháp tối ưu để giữ lại các mảng xanh hiếm hoi còn lại của thành phố. Vì khi chúng mất đi thì tương lai chúng ta sẽ trả giá đắt nếu muốn hoàn thành mục tiêu thành phố Xanh - Sạch - Đẹp.
Bình luận (0)