Chính yếu vẫn là mức chịu thuế hiện nay được cho là thấp trong bối cảnh chi phí cuộc sống ngày càng đắt đỏ.
Thuế TNCN được xây dựng trên nguyên tắc công bằng. Trong điều kiện giảm dần các loại thuế xuất nhập khẩu do yêu cầu tự do hóa thương mại, thuế TNCN ngày càng trở thành sắc thuế đóng vai trò chủ đạo trong cải cách công tác thu ngân sách nhà nước, đồng thời là thước đo chất lượng phát triển của nền kinh tế.
Có hiệu lực đã khoảng 15 năm, thuế TNCN đã nhiều lần được điều chỉnh theo hướng tăng mức thu nhập và giảm trừ gia cảnh để chịu thuế. Nhưng mức tăng này không phải sự ưu đãi về chính sách mà là tình thế bắt buộc. Vật giá leo thang, chi phí sinh hoạt, học hành tăng thì buộc phải nâng mức chịu thuế. Đây là việc phải làm để tránh đánh thuế vào người thu nhập thấp và không tạo được sự công bằng, không thu hẹp được khoảng cách giàu nghèo như mong muốn. Ví dụ, tính từ lần điều chỉnh mức chịu thuế gần nhất là năm 2020, đến nay giá cả đã tăng rất lớn, đặc biệt là kinh tế khó khăn sau dịch COVID-19 nhưng 4 năm qua người dân vẫn phải chịu mức đóng như cũ.
Đối với những người có thu nhập cao thì định mức đóng thuế như hiện nay không bị ảnh hưởng nhiều. Còn đối với người thu nhập ở mức trung bình thì việc chậm nâng mức chịu thuế sẽ tác động nghiêm trọng vì nó đụng chạm đến những chi tiêu cơ bản của gia đình như chi phí sinh hoạt, nuôi con, đầu tư học hành, và kể cả tích lũy phòng ngừa rủi ro.
Một số nhà quản lý thường viện dẫn: Nếu so sánh thì mức chịu thuế và tỉ lệ đóng thuế của Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực. Nói thế không sai. Thế nhưng, với mức đóng thuế này thì thu nhập bình quân đầu người ở các nước đó cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với nước ta. Trong các cuộc họp Quốc hội gần đây hoặc các hội thảo về chính sách, nhiều chuyên gia kinh tế, pháp luật đã chỉ rõ những bất cập của thuế TNCN hiện tại và yêu cầu nhanh chóng sửa đổi. Đáng tiếc, đến nay, những bất hợp lý này vẫn chưa được điều chỉnh.
Ở góc nhìn của người đóng thuế, thì nói thật, hầu hết ai cũng mong đóng ở mức thấp nhất có thể. Ở góc nhìn của người thu ngân sách, luôn đặt ra chỉ tiêu cao theo từng năm. Mâu thuẫn này chỉ được dung hòa khi mà nguồn thu thuế được sử dụng để phát triển xã hội hiệu quả và góp phần làm thu nhập của người dân ngày càng cao, đồng nghĩa với sự đóng góp cho ngân sách ngày càng lớn. Quan trọng hơn là chính người dân thấy được đồng tiền đóng thuế của mình được sử dụng hiệu quả ra sao và có phục vụ cho chính cuộc sống của họ hay không. Nói nôm na, trách nhiệm phải đi đôi với quyền lợi cụ thể.
Trong bối cảnh một số ngành kinh tế đang gặp khó khăn, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ như giảm thuế doanh nghiệp, gia hạn nợ, giảm lãi suất cho vay… Cũng trong bối cảnh này, đối tượng chịu tác động lớn nhất chính là số đông người có thu nhập trung bình và thấp. Người đóng thuế cũng cần sự hỗ trợ; nhưng trên hết, họ cần sự hợp lý, công bằng trong trách nhiệm đóng thuế của mình.
Bình luận (0)