Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tránh nhiều rủi ro
ACV khẳng định dự án nhằm xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, là sân bay quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực.
Việc đầu tư đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực nhà ga T3 còn nhằm nâng cao năng lực khai thác hệ thống sân đường khu bay, bảo đảm an toàn và khai thác hiệu quả các công trình đã đầu tư trong giai đoạn 1.
Theo tìm hiểu, khu vực xây dựng đường cất hạ cánh số 2 nằm trong phạm vi đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 1.810 ha, đã được UBND tỉnh Đồng Nai giải phóng mặt bằng. Phía ACV nhận bàn giao và diện tích này đến nay hoàn thành thi công san nền, thoát nước giai đoạn 1.
Riêng với khu vực san nền nhà ga hành khách T3 thực hiện trên khu đất giai đoạn sau của dự án xây dựng sân bay Long Thành với diện tích khoảng 181 ha, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã giải phóng mặt bằng, sẵn sàng bàn giao cho ACV khi dự án được thông qua.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhận định việc sớm xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực nhà ga hành khách T3 trong giai đoạn 1 là hết sức cần thiết và cấp bách. Trong đó, riêng đường cất hạ cánh số 2 giúp sân bay tránh quá tải việc lên xuống của máy bay, đồng thời thêm một phương án dự phòng, tránh trường hợp có nguy cơ phải đóng cửa toàn bộ sân bay nếu đường băng số 1 gặp sự cố.
Việc sớm xây dựng còn giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của tàu bay trong tương lai. Bởi, với tính chất đất đỏ, bụi sét mịn của khu vực Long Thành, nếu thi công xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực nhà ga hành khách T3 sau khi sân bay đi vào hoạt động sẽ gây hiện tượng phát tán bụi mịn, tiếng ồn… ảnh hưởng công tác vận hành.
Hạ tầng giao thông sẵn sàng
Về kết nối hạ tầng giao thông với sân bay Long Thành, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đánh giá khi đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực nhà ga hành khách T3 làm sớm trong giai đoạn 1, những quy hoạch giao thông hiện có đủ sức đáp ứng.
Nói về tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên ùn tắc, ông Võ Tấn Đức cho biết tỉnh đã kiến nghị Quốc hội chỉ đạo khẩn trương đầu tư mở rộng lên 10 làn xe đoạn từ TP HCM đến giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để đáp ứng nhu cầu khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác.
"Tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Quốc hội chỉ đạo sớm đầu tư hệ thống đường sắt kết nối để đồng bộ, đáp ứng nhu cầu khi sân bay Long Thành đưa vào vận hành khai thác" - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho hay.
Theo đó, hệ thống đường sắt kết nối đến sân bay Long Thành được quy hoạch 3 tuyến bao gồm đường sắt cao tốc Bắc - Nam; đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đây là các tuyến đường sắt có vai trò kết nối, vận chuyển hàng hóa. Chúng phục vụ cho việc vận chuyển từ các khu công nghiệp, tổng kho trung chuyển miền Đông đến sân bay Long Thành và hệ thống cảng biển nhóm V trên địa bàn huyện Long Thành, Nhơn Trạch và khu vực cảng Thị Vải - Cái Mép.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, nói sở đang đốc thúc tiến độ triển khai loạt dự án giao thông kết nối với sân bay Long Thành như đường 25B, 25C, 769, 770B, 773, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP HCM, cầu thay phà Cát Lái… để bảo đảm việc khai thác lợi thế khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động năm 2026.
Theo ông Bôn, để tránh việc tất cả phương tiện tập trung về một tuyến vào sân bay, Sở GTVT đang làm hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư tuyến đường tỉnh 769E từ ranh sân bay đến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Hơn 5.400 tỉ đồng để hoàn thiện
Theo đề xuất của ACV, đường băng số 2 sẽ song song với đường băng hiện tại với chiều dài 4.000 m. Cùng với xây dựng hệ thống đường lăn, đèn tín hiệu... thì sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.455 tỉ đồng, nguồn vốn do ACV huy động. Còn san nền khu vực nhà ga hành khách T3, tổng mức đầu tư khoảng 1.956 tỉ đồng, nguồn vốn từ đầu tư công.
ACV cho biết nếu đường băng số 2 được thông qua, tổ chức thi công từ quý II/2025 đến hết quý IV/2026 thì thời điểm khai thác là từ đầu năm 2027. Trong đó, đường băng thứ nhất phục vụ chủ yếu máy bay cất cánh, đường băng thứ hai chủ yếu phục vụ máy bay hạ cánh.
Trong công văn phản hồi ACV hôm 26-8, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết việc đề xuất đầu tư đường cất hạ cánh số 2 của ACV ngay trong giai đoạn 1 thuộc trường hợp thay đổi quy mô phân kỳ đầu tư đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 94/2015. Do vậy, cần thực hiện thủ tục trình, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Về san nền khu vực nhà ga hành khách T3, Bộ GTVT trả lời nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của bộ không còn để bố trí cho hạng mục này. Vì vậy, chủ thể thực hiện nên là ACV để bảo đảm tiến độ cũng như tính đồng bộ.
U.Châu - D.Ngọc
Bình luận (0)