Chị Thu An (ngụ TP HCM) - nhà bán hàng online cho hay, trong lúc đang soạn hàng để giao cho khách, có một tài khoản Facebook tên Tuấn Tú nhắn hỏi mua bưởi và giao về Bình Tân.
Vì là khách lần đầu nên chị yêu cầu chuyển khoản rồi mới giao. Sau khi trao đổi và cung cấp số điện thoại để thanh toán, chị nhận được tin nhắn với nội dung Western Union thông báo đã thanh toán tiền hàng 385.000 đồng kèm theo một đường link yêu cầu nhấp vào để nhận tiền.
Chưa kịp mang đi giao, người này gọi điện thoại nói bị nhân viên ngân hàng thông báo chuyển tiền bị lỗi, nhờ kiểm tra tiền trong tài khoản đã tới chưa. Khi nói tài khoản chưa nhận được tiền, khách hàng đưa điện thoại cho nhân viên ngân hàng hỗ trợ.
Nhân viên này giải thích chuyển/nhận tiền quốc tế lần đầu phải truy cập link, điền mã giao dịch trong tin nhắn để xác nhận giao dịch. Nếu không tiền sẽ không được chuyển tới mà khách cũng không lấy lại số tiền đó được.
Nghi ngờ, chị đã liên hệ người có chuyên môn về ngân hàng hỗ trợ và được khẳng định đây là thủ đoạn lừa đảo. "May mắn biết đây là thủ đoạn lừa đảo, không là sạch túi!"- chị An nói.

Thủ đoạn lừa đảo qua Facebook không phải mới nhưng có thể khiến nhiều người dân bị mất tiền
Trong khi đó, anh Hoàng Phúc, nhân viên văn phòng tại TP HCM, phản ánh đồng nghiệp của anh bất ngờ nhắn tin qua Facebook mượn 10 triệu đồng chuyển khoản cho một người khác để xử lý công việc gấp. Khi chưa thấy anh Phúc trả lời, chỉ hơn 5 phút sau, người này đã gọi điện để hối thúc. "Thấy nghi nghi, liên hệ anh T. thì được biết tài khoản của anh đã bị hack. Suýt chút đã bị lừa"- anh Phúc nói.
Không riêng anh Phúc, nhiều người khác gần đây cũng cho biết tài khoản của người thân cũng bị hack và bị đối tượng xấu giả danh để vay mượn tiền với kịch bản tương tự.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, tài khoản Facebook bị hack hay bị nhắm đến là những tài khoản đã nằm trong danh sách mục tiêu của đối tượng lừa đảo. Người bị hack Facebook có thể đến từ nhiều nguyên nhân, do click vào link lạ hoặc tải phần mềm không rõ nguồn gốc về máy tính, điện thoại.
"Người dùng không được cài những phần mềm không rõ ràng trên mạng vào thiết bị điện tử của mình như máy tính, phổ biến là Microsoft Office miễn phí tràn lan trên mạng, khó xác định đâu là an toàn. Những phần mềm này có thể đánh cắp dữ liệu, chuyển đổi dữ liệu từ máy chủ này sang máy chủ khác.
Đối với những tài khoản quan trọng như Facebook, Gmail... người dùng nên dùng riêng thiết bị để hạn chế rủi ro"- ông Thắng khuyến nghị.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng An toàn thông tin, Trung tâm Viễn thông QTSC, khuyến cáo người dân phải cảnh giác cao độ khi trao đổi, giao dịch qua mạng, đặc biệt không nhấp vào đường link của người lạ gửi đến. Nếu chưa am hiểu những giao dịch liên quan trên internet, người dân cần tham khảo người có chuyên môn để tránh bị lừa.
Bình luận (0)