Các thách thức, cơ hội và phản ứng của các nước ASEAN trong bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cạnh tranh quyết liệt là các vấn đề chính được đề cập tại hội thảo "Cạnh tranh Mỹ - Trung và các tác động đến khu vực Đông Nam Á" do Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) tổ chức sáng 5-7.
Theo PGS-TS Võ Xuân Vinh từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong hơn 2 thập kỷ qua, đặc biệt là khi Mỹ thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á, Đông Nam Á trở thành một trong những địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng của hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc.
Sự cạnh tranh này diễn ra trên nhiều lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, quân sự - an ninh, kinh tế; trong đó mỗi quốc gia chiếm lợi thế riêng.
Ví dụ về kinh tế, Trung Quốc đang dần vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước Đông Nam Á, trong khi Mỹ là đối tác đầu tư lớn nhất.
Còn theo TS Trần Nguyên Khang từ Khoa Quan hệ quốc tế của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM), chiến lược cạnh tranh "quyền lực mềm" ở Đông Nam Á của các cường quốc bao gồm việc tích cực quảng bá văn hóa, tăng cường hợp tác về mặt giáo dục.
Ngoài ra, các nước này còn đề ra các sáng kiến có lợi cho Đông Nam Á về mặt kinh tế và công nghệ phục vụ đời sống, tăng cường truyền thông và ngoại giao công chúng, cũng như các hoạt động đối ngoại.
Trong bối cảnh đó, vai trò của các quốc gia Đông Nam Á thể hiện nổi bật ở việc tạo một không gian đối ngoại và trao đổi đa phương.
TS Nguyễn Tuấn Khanh - từ Khoa Quan hệ quốc tế của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) - cho rằng mối quan hệ mang tính chất cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong những cuộc cạnh tranh quyền lực có ảnh hưởng lớn nhất tới khu vực Đông Nam Á, đem lại nhiều thời cơ và cả thách thức.
ASEAN là một thể chế đa phương thành công tại khu vực này nhưng trong tương lai có thể tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn khi cố gắng duy trì sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, ASEAN có thể tăng cường vai trò trung gian của mình, đồng thời tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới với cả hai cường quốc.
Ngoài ra, các nước ASEAN có thể đa dạng hóa quan hệ đối tác với các quốc gia châu Á, châu Âu khác nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào cả hai phía Mỹ - Trung. Điều này đòi hỏi các nước ASEAN phải tiếp tục thúc đẩy và tăng cường vai trò, vị thế của mình trên bàn đàm phán quốc tế.
Bình luận (0)