Lâu nay, đã có những tranh luận hết sức lý thú rằng chị em Thúy Kiều bao nhiêu tuổi?
Trước hết cần giải thích từ "cập kê": "Theo "Kinh Lễ", con gái 15 tuổi thì cài trâm (kê) để tỏ là đều đến tuổi lấy chồng. Cập kê là đến tuổi cài trâm, tức đến tuổi lấy chồng" ("Từ điển Truyện Kiều", Đào Duy Anh); "Đến tuổi cài trâm, chỉ tuổi 15. Tục cổ Trung Hoa, con gái đến tuổi 15 thì cài trâm, tức tới tuổi thành hôn" ("Hán - Việt tân tự điển", Nguyễn Quốc Hùng).
Vậy suy ra "Một trai con thứ rốt lòng" là Vương Quan chỉ mới 13 tuổi. Có thể tin một đứa mới 13 lại là bạn học với Kim Trọng - một người đã "Văn chương nết đất, thông minh tính trời", lại ăn nói hiểu biết đâu ra đó? Không phải ngẫu nhiên bản Duy Minh Thị (1872) thay từ "tới/ tới tuần" bằng "lên/ lên tuần", bản Abel des Michels (1884) thay bằng "trên/ trên tuần" tức cao hơn số tuổi mà ta đã biết.
Tôi nghĩ không cần phải máy móc như thế. Khảo sát từ vay mượn, từ du nhập, ta thấy không phải bao giờ người Việt "bê nguyên xi" ngữ nghĩa vốn có, mà bản thân từ đó phải "nhập gia tùy tục" theo văn hóa, đặc tính tâm lý, tính cách, thói quen của người Việt.
Trường hợp "đến tuần cập kê" cũng vậy.
Ta hãy đọc lại câu ca dao: "Lấy chồng từ thuở mười ba/ Đến năm mười tám, thiếp đà năm con". Thật ra cái tuổi 13 trong bài ca dao này chỉ là cách nói nhằm ước lượng về độ tuổi nhỏ nhất có thể lấy chồng, chứ không là con số cụ thể, chính xác. Vậy, tại sao không chọn con số nhỏ hơn, ít hơn con số 13? Không thể, bởi theo quan niệm người xưa: "Nữ thập tam, nam thập lục", là tuổi dậy thì, tuổi cài trâm, tuổi mới lớn, có thế lấy chồng được rồi. Suy ra, khi nói "Lấy chồng từ thuở mười ba" là có "cơ sở" hẳn hòi đấy chứ?
Tương tự, tục ngữ có câu: "Tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu" cũng là cách nói mang tính ước lượng như "Lấy chồng từ thuở mười ba". Đơn giản là không có con số nào khác số 7 vì nó nối nhịp với "gãy" một cách hợp lý để tạo nên cấu trúc quen thuộc hình thành câu tục ngữ. Vậy, tại sao không chọn con số nhỏ hơn, ít hơn con số 17? Không thể cho "7/ lên 7" - tuổi đó còn hỉ mũi chưa sạch thì nên cơm cháo gì! Không thể chọn "27" bởi cũng theo quan niệm người xưa: "Trai ba mươi hãy đang xoan/ Gái ba mươi tuổi đã toan về già". Như thế, gút lại chọn con số 17 là hợp lý nhất, và bản thân nó cũng không phải là con số cụ thể, chính xác.
Trở lại với "đến tuần cập kê" của chị em Thúy Kiều, trước hết, ta cần đọc lại nguyên tác "Kim Vân Kiều" của Thanh Tâm Tài Nhân: "Chị tên Thúy Kiều, em tên Thúy Vân đều đang độ thanh xuân". Mấy từ này, Nguyễn Du chuyển qua "cập kê" là hiểu theo nghĩa mới lớn, mơn mởn thanh xuân, từ tâm hồn đến vóc dáng là "Mai cốt cách, tuyết tinh thần", "Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang" đã có thể "lên xe hoa", chứ không nhất thiết phải là lúc 15 tuổi theo ấn định của "Kinh Lễ" bên Trung Hoa.
Nói cách khác nghĩa của từ "cập kê" phải hiểu là vậy, chính xác là vậy, là dù từ của thiên hạ nhưng cách hiểu lại hiểu theo quan niệm của người Việt, chứ không hề rập khuôn, sao y bản chính.
Bình luận (0)