Với CNLĐ Việt Nam, môi trường làm việc tốt, đủ thu nhập cho gia đình, có điều kiện vui chơi, học tập... là ước muốn bao năm qua.
Ngày 1-5-1886, khởi phát tại TP Chicago, hàng vạn công nhân tại nhiều thành phố công nghiệp của Mỹ đã bãi công xuống đường yêu cầu ngày làm việc 8 giờ. Cuộc bãi công đã bị đàn áp nặng nề nhưng trước tinh thần đấu tranh kiên quyết, không sợ hy sinh, giới chủ và cả chính quyền phải chấp nhận yêu cầu chính đáng của công nhân. Từ ngày này đã mở ra một trang mới cho cuộc đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng của giai cấp công nhân trên mọi quốc gia. Mở rộng ra, 1-5 trở thành ngày Quốc tế Lao động.
Dù được cải thiện khá tốt qua thời gian nhưng phải thừa nhận mâu thuẫn giữa người làm công và giới chủ luôn diễn ra. Bởi quyền lợi cơ bản nhất của giới chủ là lợi nhuận, trong khi quyền lợi của công nhân là cải thiện môi trường làm việc, trả công cao hơn và nâng cao chế độ an sinh, phúc lợi liên quan trực tiếp đến lợi nhuận của giới chủ. Mức sống của phần lớn CNLĐ hiện nay còn thấp, tiền lương cũng không cao, họ khó chu toàn nổi các chi phí cho gia đình, lo cho con cái ăn học. Còn việc tạo dựng được mái nhà riêng thì càng xa vời. Tìm tiếng nói chung luôn khó và công nhân đấu tranh để cải thiện đời sống của mình là chuyện tất yếu.
Việt Nam cũng như một số quốc gia đang phát triển khác đang lúng túng trong việc sử dụng mức lương tối thiểu chung. Mức lương này đang rất thấp bởi không thể lo nổi cho cuộc sống tối thiểu. Với nhiều người sử dụng lao động, họ dùng mức lương này để mặc cả với người lao động và dựa vào đó để chi trả các chế độ liên quan. Cách làm này như chiếc bẫy công khai nhưng vì cuộc sống khó khăn, cơ hội thay đổi công việc quá hiếm hoi, họ đành chấp nhận. Điều này cũng lý giải vì sao công nhân phải cam chịu tăng ca, làm thêm giờ đến kiệt sức, kể cả là công nhân nữ, nuôi con nhỏ.
Mức lương này, nghiệt ngã hơn, kéo theo sự thiệt thòi chế độ an sinh của người lao động và quan trọng nhất chính là lương hưu khi không còn sức lao động. Với mức lương đóng BHXH như hiện nay, CNLĐ không thể nào sống nổi với đồng lương hưu nhận được. Thậm chí, công nhân trực tiếp sản xuất khó có thể đủ sức làm việc để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Khi các cơ quan chức năng đang bàn thảo để tiếp tục nâng tuổi hưởng lương hưu thì chế độ an sinh này càng xa tầm với của người lao động.
Điều kiện làm việc nặng nhọc, thu nhập không mấy khả quan, công nhân muốn học tập để thay đổi công việc tốt hơn cũng khó thành. Còn vui chơi, hưởng thụ cuộc sống thì càng là chuyện xa xỉ. Từ nhà máy về phòng trọ nghỉ ngơi đã chiếm hết thời gian của họ và cứ thế dần đến tuổi già, không kịp nhìn con cái lớn lên.
Khẩu hiệu "Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi" đã được hàng triệu công nhân đưa ra gần 250 năm trước, nay vẫn còn xa vời đối với không ít công nhân trên mọi miền đất nước. Ngày Quốc tế Lao động nhưng vẫn còn không ít người đang đổ mồ hôi ngày đêm trong nhà máy với mong muốn tìm thêm được ít tiền lo lắng cho gia đình.
Bình luận (0)