Tất nhiên, trách nhiệm trước hết thuộc về những cơ quan, cá nhân có chức năng quản lý các công trình ấy song có quy trách nhiệm cho thích đáng người này, người kia khi việc đã rồi thì vẫn chẳng bù đắp được mất mát cho gia đình nạn nhân, nói chung là cho toàn xã hội, về vật chất cũng như về tinh thần. Cần phải làm thế nào để ngăn chặn sự tái diễn một cách lạnh lùng, ghê rợn những vụ kết thúc kiếp người oan ức theo kiểu đó.
Mạng lưới hạ tầng tiện ích công cộng như cống dẫn nước, đường dây dẫn điện… được lắp đặt trong không gian chung, là nơi có nhiều người thường xuyên đi lại. Bởi vậy, yêu cầu số một đặt ra đối với mỗi thành viên trong hệ thống quản lý công trình công cộng khi tác nghiệp là bảo đảm độ an toàn cao nhất của mạng lưới đối với đời sống cộng đồng. Đường dây điện bị hở mạch, đường cống thoát nước, dẫn nước không có rào chắn hoặc hố ga không đậy nắp là những đồ vật không bình thường; tồn tại giữa đô thị, những thứ đó trở thành những cạm bẫy có khả năng giết người.
Ở nhiều nước tiên tiến, người ta nói rằng sự ràng buộc người cung ứng dịch vụ tiện ích công cộng vào cam kết bảo đảm sự vận hành suôn sẻ và an toàn của mạng lưới không chỉ được thiết lập về mặt pháp lý mà còn cả trên bình diện đạo đức. Bởi vậy, trong trường hợp cần thiết, nhà nước có thể can thiệp bằng các biện pháp hỗ trợ vật chất để nhà cung ứng dịch vụ không phải bị nát óc với bài toán lời - lỗ trong kinh doanh và có điều kiện toàn tâm toàn ý đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống dịch vụ tiện ích nhằm phục vụ tốt cho xã hội, cộng đồng.
Sự tái diễn gần như đều đặn các vụ tai nạn liên quan đến các thiết bị tiện ích chung bày biện ngổn ngang, cẩu thả ở nơi công cộng hoặc bị hư hỏng, xuống cấp, quá tải mà chậm được xử lý khiến người ta tự hỏi liệu có dấu hiệu phổ biến thái độ thờ ơ của những người được giao chức trách liên quan đối với khía cạnh đạo đức của công việc?
Cách tốt nhất để không phải nghe, thấy những chuyện đau lòng tương tự về sau là hoàn thiện hệ thống luật pháp cho phép xử phạt thật nghiêm, thật nặng và dứt khoát những người nào đã tạo ra hoặc đã để cho hình thành, phát triển những thứ bẫy rập nguy hiểm đó. Việc chế tài phải được thực hiện ngay từ lúc hiện trường được ghi nhận và có dấu hiệu bị bỏ mặc chứ không đợi đến khi nó gây hậu quả.
Bình luận (0)