Đến giờ này, chưa có trường sư phạm nào nắm chắc tỉ lệ sinh viên do nhà trường đào tạo được làm giáo viên. Nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo thì cứ đào tạo theo chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT dành cho mỗi năm, còn sinh viên tốt nghiệp ra trường có nhận được nhiệm sở hay không thì… nhà trường “vô can”. Đến nay cũng chưa có sở GD-ĐT của tỉnh, thành nào đến các trường sư phạm tuyển giáo viên cho tỉnh, thành mình. Nếu cần giáo viên thì cứ ra một thông báo tuyển rồi ngồi chờ ai đủ điều kiện đến nộp đơn và được nhận làm giáo viên hay không thì… từ từ sẽ biết.
Năm nào Nhà nước cũng tốn tiền đầu tư việc đào tạo nghề (sơ cấp) cho thanh niên nhưng thanh niên ngành sư phạm được đào tạo chính quy ở bậc cao đẳng, đại học thì không có việc làm. Vài ba năm trước, có vị giám đốc của một sở GD-ĐT than phiền rằng số giáo viên tuổi trên 50 mà ông đang quản lý, phần lớn là đại học hóa (bổ túc).
Nếu kinh phí dành cho đào tạo nghề ấy chuyển sang giáo dục thì ông sẽ dùng để động viên đội ngũ giáo viên đại học hóa đó nhường lớp cho cánh trẻ được đào tạo chính quy. Chất lượng dạy và học ở địa phương chắc chắn sẽ tăng, mà số thanh niên tốt nghiệp chính quy ngành sư phạm không phải thất nghiệp hoặc làm việc khác ngoài ngành để kiếm sống. Nhưng ý kiến của ông mãi là ý kiến tham khảo, bởi kinh phí đào tạo nghề cho thanh niên là kinh phí của ngành LĐ-TB-XH chứ không phải của ngành GD-ĐT.
Đó là những người còn nhiệt tâm, nhiệt huyết với nghề dạy học, chứ thực tế không mấy ai hào hứng với đồng lương không đủ sống. Tại sao kỳ thi cao đẳng, đại học vừa qua, các trường sư phạm tuyển không đủ chỉ tiêu, một số ngành phải đóng cửa; một số ngành tuyển được nhưng chất lượng không cao, nếu không nói là quá thấp? Rõ ràng, lớp trẻ bây giờ thực tế lắm. Bằng đại học nào cũng như nhau nên học ở các ngành ngoài sư phạm sẽ rộng đường tìm việc hơn.
Cụ thể, ngữ văn thì học ở Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn sẽ rộng đường tìm việc hơn học ngữ văn ngành sư phạm; học toán – tin thì học ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên sẽ rộng đường tìm việc hơn học toán – tin ngành sư phạm; học tiếng Anh thì học ở Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn sẽ dễ kiếm việc hơn học tiếng Anh ngành sư phạm… Thực tế này có giúp cho những người hoạch định chiến lược giáo dục của đất nước có suy nghĩ gì không khi lớp trẻ không muốn làm nghề dạy học, hay đó cũng là chuyện… bình thường như hàng ngàn thí sinh có điểm thi môn lịch sử quá thấp như kỳ tuyển sinh đại học vừa qua?
Bình luận (0)