Khốn khó lắm người ta mới chọn nghề nuôi vịt chạy đồng bởi ruộng đồng miền Trung manh mún, nhỏ hẹp, mùa lúa gặt không đều nên chỉ có thể nuôi vịt chạy đồng số lượng ít. Nhặt nhạnh hạt thóc rơi cũng chẳng vỗ béo nổi đàn vịt nên cuối cùng vẫn phải chăm bằng thức ăn công nghiệp. Lời không được mấy đồng, chẳng qua lấy công kiếm ăn qua ngày. Gặp thương lái ép giá coi như làm cho thiên hạ ăn. Thế mà các "quan" xã cũng không tha, quyết thu của họ đến tiền triệu. Bức bách lắm người dân mới phản ánh, còn lãnh đạo xã vẫn cho rằng đây là phí "công đồng lạc túc" đã có từ lâu.
Còn ở HTX Minh Anh (xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), người nuôi bò buộc phải đóng "phí đồng cỏ" 100.000 đồng/con/năm. Nói đồng cỏ cho sang chứ đây chỉ là cánh đồng cỏ dại mọc hoang nên người dân nuôi bò thả rông cải thiện thêm đời sống. Người dân thắc mắc thì HTX cho người ngăn cấm thả bò ra đồng. Ức hiếp thế, phi lý thế nhưng thấp cổ bé họng, người dân phải chịu đựng hết năm này qua năm khác.
Những loại phí vô lý như trên có thể nói vẫn còn tồn tại ở một số địa phương. Nó được núp bóng dưới đủ tên gọi rất bài bản như: phí đường nội đồng, phí xây dựng nông thôn, phí hợp tác làm kênh mương… Những khoản tiền này thật ra đã được ngân sách rót từ trung ương xuống đến địa phương nhưng cán bộ xã không ngần ngại thu thêm, còn dùng để làm gì chỉ có họ mới biết.
Khi bị phát hiện, các "quan" luôn biện hộ là do người dân tự nguyện. Không tự nguyện sao được khi đời sống của họ còn khổ, bị o ép, rồi gây khó khăn mỗi khi cần đến cơ quan chức năng địa phương.
Cán bộ xã là cấp quản lý hành chính nhà nước thấp nhất nhưng cực kỳ quan trọng đối với công tác quản trị xã hội. Cấp này liên quan trực tiếp và thực thi các chính sách xã hội gần người dân nhất. Nếu thực thi không đúng, người dân sẽ hiểu sai về chính sách. Nếu tự tung tự tác gây mất lòng dân thì người dân sẽ nghi ngờ cả hệ thống quản trị xã hội. Nghịch lý là tuy quan trọng như thế nhưng cán bộ cấp này ít được đào tạo bài bản; cả công tác đề bạt, bổ nhiệm cũng lắm vấn đề. Bởi vậy mới có chuyện bò giống cấp cho người nghèo lại lọt vào nhà "quan" xã ở Quảng Trị. Dê cấp cho người khó khăn tăng gia sản xuất cũng "chạy" vào trang trại của "quan"…
Những mâu thuẫn tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng ở nông thôn luôn tích chứa sự phẫn uất lâu dài và dễ lan rộng. Nói cho cùng, cán bộ xã cũng do người dân đóng thuế mà nuôi. Có chút quyền hành trong tay, không ít người đã tự tung tự tác và đè ép người dân. Trong mắt phần lớn người dân nông thôn, cán bộ xã, phường chính là người đại diện cho chính quyền. Gầy dựng được lòng tin hay không chính ở cấp gần dân, trực tiếp nhất này.
Bình luận (0)