Có được quyền trong tay thì doanh nghiệp nào, địa phương nào lại chẳng muốn tăng giá để túi tiền rủng rỉnh hơn. Được "khuyến khích" bởi "phong trào" thay "phí" thành "giá" nên một doanh nghiệp gom rác còn mạnh tay siết hầu bao người dân nữa là. Đây chỉ là màn dạo đầu cho một tương lai gần u ám về giá, phí bởi trong danh sách chuyển từ phí sang giá còn hàng trăm lĩnh vực khác, cả ngàn ngành kinh doanh, dịch vụ… đang đắc ý tính toán nguồn thu của mình. Học sinh đến trường sẽ choáng ngợp với mức "học giá" (giá dịch vụ đào tạo) và bao thứ "giá" khác sẽ bủa vây cuộc sống vốn chẳng hề sung túc của người dân.
Không ai ngây thơ đến mức cho rằng đổi từ phí sang giá chỉ là cách gọi. Thay đổi tên gọi chỉ là phần sau cùng của cả quá trình thay đổi bản chất của vấn đề. Quá trình này liên quan đến việc quản lý, điều hành, ra quyết định của các cơ quan chức năng; quyền hạn định giá của doanh nghiệp mà ẩn sau đó có cả lòng tham của những người kinh doanh cơ hội.
Nói cho cùng, khi chuyển qua giá thì phải chấp nhận thuận mua vừa bán, không ai cãi được và mọi người có quyền chọn lựa dịch vụ của mình. Nhưng trong bối cảnh những dịch vụ đặc thù không có cạnh tranh, thậm chí là độc quyền thì người dân làm sao có được quyền chọn lựa cho mình. Tiền rác ở TP Quảng Ngãi là một minh chứng. Người dân nếu không đồng ý trả tiền cho Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi thì họ biết mua dịch vụ của công ty nào khác. Người dân đứng ra lập dịch vụ thu gom rác liệu có được chấp nhận, hay phải đệ trình đơn xin các cửa, kiểm tra xét duyệt đủ điều, cơ quan ban ngành săm soi mọi lúc… Nó cũng giống như giá điện, giá xăng, giá nước vậy. Kêu thì cứ kêu, tăng giá thì phải trả tiền chứ chẳng còn cách nào khác.
Để những loại hình dịch vụ phải trả giá hay phí được luật hóa thì trước hết phải làm tốt khâu quản lý nhà nước để tạo sự bình đẳng trong quan hệ mua bán. Đưa người mua vào tình thế không thể lựa chọn sao gọi là sòng phẳng được! Người dân không được lựa chọn dịch vụ thì đó chính là móc túi công khai. Điển hình như rất nhiều trạm "thu giá" BOT hiện nay, đặt trên đường độc đạo, chặn ngang quốc lộ mà người dân đóng tiền xây dựng thì làm gì còn quan hệ mua - bán mà đưa ra quy định được luật hóa: "Giá dịch vụ sử dụng đường bộ".
Quy định mới phải nhằm thực hiện mục tiêu quản lý và điều hành xã hội tốt hơn, tạo sự công bằng hơn chứ không phải để sửa chữa hoặc khỏa lấp những yếu kém, bất cập trong thực tế. Những bức xúc về giá từ BOT giao thông, giáo dục… đã cho thấy những bất ổn tiềm tàng. Nếu không sớm điều chỉnh thì chuyện chuyển phí sang giá sẽ kéo theo những nguy cơ gây bức xúc xã hội và đẩy quan hệ mua - bán sang thế đối đầu.
Bình luận (0)