Sau đó, nhiều người cũng hoan nghênh tinh thần cầu thị của lãnh đạo Cảng vụ Hàng không Miền Nam khi chỉ đạo giải quyết vấn đề một cách rốt ráo. Thật ra, tình trạng “chặt chém” tại các sân bay diễn ra từ lâu nhưng ít được phản ánh.
Có thể nói, giá cả dịch vụ ăn uống tại 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài rất tùy tiện, không có định chuẩn, nhiều thứ đắt hơn các nhà hàng 5 sao. Giá cả đắt đỏ nhưng chất lượng lại chưa tương xứng, còn thái độ phục vụ thì tệ hơn cả dịch vụ bình dân. Nếu giá cả dịch vụ tại các sân bay được kiểm tra chặt thì đã không xảy ra tình trạng như hiện nay. Rõ ràng, do quản lý lỏng lẻo đã dẫn đến doanh nghiệp tùy tiện áp giá để bắt chẹt khách hàng. Đến khi báo chí vào cuộc, cơ quan chức năng mới giật mình, chấn chỉnh. Trong du lịch, dịch vụ ăn uống là lãi nhất, chiếm trên 50% doanh thu. Giá vốn một ly cà phê trong sân bay chỉ khoảng 7.000 đồng, một tô phở 20.000 đồng nhưng giá bán lại gấp nhiều lần...
Lãnh đạo ngành, mà trực tiếp là cảng vụ hàng không, nên thường xuyên “vi hành”, thử bỏ tiền túi sử dụng dịch vụ tại các sân bay chứ không phải xài miễn phí mới thấm thía nỗi bức xúc của khách đến sân bay.
Gốc của vấn đề là kiểu kinh doanh chỉ chăm bẳm vào lợi nhuận. Phải chăng đó là hệ quả rơi rớt của tư duy thời bao cấp? Phải chăng ngoài tiền thuê mặt bằng không rẻ, còn có các “phí” khác làm giá cả tại các sân bay “đội khung”? Chắc chắn những chi phí này không có tại sân bay các nước.
Ở các nước, việc cung cấp nước uống nóng - lạnh miễn phí không chỉ ở sân bay mà tại các nơi công cộng, thiên hạ đã làm từ lâu. Các sân bay quốc tế còn có cả khu vực nghỉ ngơi, thư giãn cho khách trễ chuyến chứ không vật vờ như ở Việt Nam. Trong khi trễ chuyến bay là chuyện thường ngày ở xứ ta. Thử qua sân bay Suvarnabumi, Bangkok - Thái Lan, giá dịch vụ ăn uống rẻ không ngờ và thái độ phục vụ thì khỏi chê. Một phần cơm chất lượng ở các quầy nhỏ (có vài chục quầy bán đủ các món ăn) giá chưa tới 2 USD. Trong khi ở Việt Nam, nhiều khách bực dọc, “thề” không bao giờ ăn uống tại sân bay vì quá đắt lại chuốc lấy sự khó chịu. Vì vậy, khách chỉ ăn uống tại sân bay khi quá bức bách.
Giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm và thái độ phục vụ niềm nở là điều khách mong muốn. Mức lãi trên mỗi khách có thể ít hơn nhưng chắc chắn lượng khách sẽ đông hơn, lợi nhuận sẽ tốt hơn. Qua đó cũng góp phần quảng bá hình ảnh con người và đất nước Việt Nam từ khi du khách nước ngoài nhập cảnh. Nếu không chịu thay đổi tư duy mà chỉ giảm giá vì áp lực từ cấp trên sẽ kéo theo giảm chất lượng, giảm thái độ phục vụ thì càng tệ hại hơn. Nên đặt mình vào vị trí khách hàng để lắng nghe chân tình và kịp thời chấn chỉnh.
Bình luận (0)