Kế đến là các bà nội trợ giải cứu hành tây cho nông dân huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng; các bạn trẻ giải cứu hành tím cho nhiều nông dân ở tỉnh Sóc Trăng...
Câu chuyện được mùa - mất giá của nông dân cứ lặp đi lặp lại hằng năm nhưng ít khi các cơ quan chuyên ngành ra tay can thiệp. Địa phương nào cũng có phòng nông nghiệp, phòng kinh tế...nhưng sao bao năm qua chẳng có phương án nào để giúp nông dân khỏi phải khóc ngay trên cánh đồng khi họ canh tác trúng mùa, hiệu quả.
Sản phẩm làm ra, dù là sản phẩm nông nghiệp, cũng phải tuân theo quy luật cung cầu. Nếu sản xuất thừa mứa thì phải chấp nhận ế ẩm. Thế nhưng, thực tế đã cho thấy đây chỉ là lời ngụy biện vô trách nhiệm. Khi nông dân canh tác, mấy khi họ được cán bộ nông nghiệp hoặc cơ quan chức năng địa phương cảnh báo, tư vấn về nhu cầu tiêu dùng. Ngay phòng nông nghiệp hoặc cao hơn là sở hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chiến lược gì cho nông dân đầu tư canh tác hiệu quả? Nông dân luôn phải tự “bơi” và là người hưởng lợi ít nhất từ sản phẩm mình làm ra.
Ngay khi nông dân trồng dưa đạt năng suất thì chỉ bán được 2.000 đồng/kg, trong khi đó giá dưa tại các thành thị đến 7.000 đồng/kg. Hành tím bán tại vườn chưa tới 10.000 đồng/kg, bán tại thành thị đến 20.000 đồng/kg... Khoản chênh lệch này nằm gọn trong tay những người lái buôn chứ nông dân không hưởng được bao nhiêu, thậm chí lỗ. Điều này cũng cho thấy nhu cầu đối với những sản phẩm trên rất cao, vấn đề là nông dân không được hỗ trợ và chính quyền địa phương đã bỏ mặc họ tự xoay xở với thành phẩm của mình.
Đáng mừng là một số bạn trẻ, đoàn thanh niên ở nhiều địa phương đã có cử chỉ rất đẹp, bán giùm nông sản cho nông dân. Nhưng nhìn rộng ra, họ không thể chia sẻ mãi được và đến một lúc nào đó họ đành chấp nhận nhìn nông dân mang nợ bên bờ xôi ruộng mật. Vấn đề quan trọng là các cơ quan chức năng đã quá thụ động, thậm chí trì trệ, không phát huy được chức năng và nhiệm vụ được giao phó để giúp nông dân tổ chức sản xuất. Giải cứu sản phẩm nông nghiệp chỉ là chuyện nhỏ. Câu chuyện quan trọng hơn chính là phải “giải cứu” những cán bộ, ban, ngành liên quan khỏi tư duy trì trệ, sáng cắp ô đi - chiều cắp ô về, luôn đổ lỗi cho người khác đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực do mình phụ trách.
Bình luận (0)