Hôm nay (25 tháng chạp) là ngày giỗ đầu của nhà báo Lê Hoàng Hùng (Báo Người Lao Động)
Một năm dài trôi qua song chuyện về anh như mới xảy ra bởi lẽ trong khoảng thời gian ấy, bạn đọc cùng các đồng nghiệp luôn canh cánh nguyện vọng và nỗ lực tìm đến tận cùng sự thật về cái chết oan nghiệt của anh. Đó cũng là mong mỏi chung của những người tin vào lẽ phải.
Vụ nhà báo Hoàng Hùng bị ám hại vào rạng sáng 19-1-2011 gây chấn động cả nước. Dư luận kinh ngạc không chỉ bởi hành vi dã man của kẻ thủ ác mà còn phẫn nộ vì kẻ bất lương đã tấn công vào một nhà báo trung thực, hết lòng vì nghề nghiệp.
Đó là một sự thách thức tàn độc nhắm vào không riêng đội ngũ những người làm báo mà vào cả xã hội vốn đang từng ngày xây dựng và bảo vệ các giá trị của công lý và thời đại.
Trong thời gian công an địa phương vào cuộc, Báo Người Lao Động đã chủ động điều tra độc lập, thận trọng thu thập các cứ liệu nhằm cung cấp thêm chứng cứ cho cơ quan điều tra, cốt để vụ án sớm kết thúc. Khi bà Trần Thúy Liễu - vợ nhà báo Hoàng Hùng - ra tự thú hành vi giết chồng (ngày 20-2-2011), chúng tôi không quá bất ngờ.
Ngày giỗ đầu của Nhà báo Hoàng Hùng, CB-PV- CNV Báo Người Lao Động thăm viếng và thắp nhang trước mộ anh
Ảnh: Ph. Dũng
Cháu Lê Hồng Châu thắp nhang trước mộ cha. Ảnh: Ph. Dũng
Có ngạc nhiên chăng là khoảng sau 7 tháng vào cuộc, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Long An ra bản kết luận điều tra quá sơ sài, chỉ 3 trang giấy A4, trong đó riêng phần nội dung về hành vi phạm tội của bị can Trần Thúy Liễu vỏn vẹn 50 dòng với 783 chữ, khẳng định bà Liễu là thủ phạm duy nhất!
Một tuần sau, kết luận điều tra bổ sung tái khẳng định: Bị can Liễu không có đồng phạm. Trên cơ sở đó, ngày 20-10-2011, VKSND tỉnh Long An ra cáo trạng truy tố Trần Thúy Liễu về hành vi giết người, vụ án không có đồng phạm…
Rất ít người tin rằng kết luận điều tra và cáo trạng nói trên là khách quan, đầy đủ. Phản ánh tâm tư của đông đảo bạn đọc, chúng tôi lại tiếp tục lên tiếng bằng loạt bài điều tra “Lật lại hồ sơ vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại” (từ ngày 23 đến 29-11-2011).
Trong đó, qua điều tra riêng và phân tích của các chuyên gia pháp luật…, hàng chục tình tiết mâu thuẫn hoặc thiếu sót đã được chỉ ra để nhấn mạnh rằng cơ quan điều tra có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội. Những nghi vấn đó như là món nợ mà cơ quan thụ lý vụ án phải có trách nhiệm đòi lại cho bên bị hại, cũng là để thực thi công lý, trả lời thỏa đáng cho công chúng.
Lãnh đạo Báo Người Lao Động thăm hỏi và tặng quà Tết cho mẹ nhà báo Hoàng Hùng. Ảnh: Ph. Dũng
Sự ra đi của nhà báo Hoàng Hùng để lại nỗi đau khôn cùng. Trong vụ án này, từ Hoàng Hùng đến người vợ tội lỗi, các con, người thân, bạn đọc và đồng nghiệp của anh, ai cũng bị mất mát. Vì thế, biết lấy gì bù đắp được những tổn thất đó ngoài quyết tâm chung tay làm sáng tỏ vụ án để anh thực sự được nhẹ lòng nơi chín suối.
“Với người sống, chúng ta nợ sự tôn trọng nhưng với người chết, chúng ta chỉ nợ sự thật”, đại văn hào - triết gia người Pháp Voltaire từng nói như thế.
Báo Người Lao Động đã gửi công văn đến người đứng đầu TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an và TAND tỉnh Long An đề nghị xem xét, chỉ đạo điều tra lại một cách toàn diện, khách quan vụ án này.
Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy tin rằng tội ác không thể có chỗ đứng dưới ánh sáng công lý. Ánh sáng ấy chỉ nuôi dưỡng điều hay, lẽ phải và sự công bằng!
Nhân giỗ đầu của nhà báo Hoàng Hùng, lãnh đạo và nhiều phóng viên, công nhân viên Báo Người Lao Động đã ra mộ thắp hương, viếng nhà cố nhà báo Hoàng Hùng.
Dịp này, Báo Người Lao Động cũng đã tặng quà, chúc Tết mẹ và hai con gái của anh.
Trước đó, một số bà con ở xã An Nhật Tân, huyện Tân Trụ, Long An, nơi nhà báo Hoàng Hùng có một số bài viết bênh vực, cũng đến tòa soạn Báo Người Lao Động nhờ chuyển tiền, quà cho hai con gái nhà báo ăn Tết.
Phạm Dũng |
Bình luận (0)