Có người nói “kiến tạo và liêm chính”, người khác thì nói “liêm chính và kiến tạo”, rồi có người lại thêm một vài từ nữa. Chuyện thêm bớt các thành tố và khác nhau trong diễn đạt là bình thường, nhất là khi xuất hiện một vấn đề mới nào đó, chưa suy nghĩ đầy đủ và chưa hoàn thiện.
Theo tôi, nói Chính phủ “liêm chính và kiến tạo” là không có gì sai. Và nói trong hoàn cảnh hiện nay cũng là cần bởi vì thời gian qua, trong Chính phủ ta cũng “có vấn đề” về liêm chính và kiến tạo. Nếu đã làm tốt rồi thì không cần phải nói nữa.
Tôi nhất trí cao việc viết hai chữ “liêm chính” lên trước. Đây không phải là chuyện trước sau mà nó có ý của nó. Đầu tiên phải là liêm chính. Liêm chính là nói đạo đức. Đạo đức phải là nền. Đó là cái lõi của văn hóa. Bác Hồ nói “đức là gốc”. Không liêm chính là không chân chính. Không chân chính thì không tạo dựng được lòng tin. Tất nhiên, lòng tin không chỉ do đạo đức. Nhưng trước tiên phải là đạo đức. Mà lòng tin của dân chúng đối với nhà nước, Chính phủ là nền tảng chính trị quan trọng và vững chắc nhất. Một nhà nước, một Chính phủ tốt nhất định phải đứng trên nền tảng ấy.
Muốn có liêm chính thì Chính phủ phải chọn cho được những con người có độ chín về nhân cách văn hóa, biết thường xuyên tự mình “tu thân và tề gia”, đồng thời nhất thiết phải có cơ chế tốt để kiểm soát quyền lực (bằng quyền lực nhà nước, bằng quyền dân chủ thật sự của nhân dân, bằng vai trò của các tổ chức xã hội, bằng tự do ngôn luận và minh bạch thông tin…). Khi ông chủ (nhân dân) chưa làm chủ thì nhất định “đầy tớ” sẽ lộng quyền. Trong điều kiện như nước ta hiện nay, muốn có một Chính phủ liêm chính thì Đảng phải trong sạch. Đảng cầm quyền mà không trong sạch thì Chính phủ sẽ hỏng theo.
Nói đi cũng phải nói lại, cho “chín” hơn. Chính phủ không liêm chính sẽ tác động rất mạnh làm cho đảng cầm quyền không còn trong sạch, thậm chí có những trường hợp sự tác động xấu từ phía Chính phủ là nguyên nhân đầu tiên, có vai trò chính. Chính phủ không chỉ có quyền lực chính trị mà còn nắm giữ và trực tiếp sử dụng các công cụ khác, nhất là tài chính. Mà ông bà xưa đã nói “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Cho nên, xây dựng được Chính phủ liêm chính sẽ tác động trở lại, tốt cho xây dựng Đảng rất nhiều.
Còn kiến tạo thì sao? Trước tiên hãy thử nói kiến tạo cái gì. Theo tôi, quan trọng nhất là kiến tạo một quốc gia phát triển, một xã hội tốt đẹp. Lâu nay, chúng ta nói Chính phủ quản lý cũng đúng, không sai. Theo cách hiểu của tôi, kiến tạo là mục tiêu cao hơn, xa hơn so với quản lý, điều hành. Trong kiến tạo có quản lý. Quản lý không có mục đích tự thân. Quản lý không phải để mà quản lý. Càng không phải để “nắm”. Quản lý là để kiến tạo nhằm mục tiêu phát triển. Quản lý mà cản trở sự phát triển là quản lý tồi, không kiến tạo. Quản lý mà tạo điều kiện thúc đẩy phát triển lành mạnh là quản lý tốt, hướng đến mục tiêu kiến tạo. Theo đó, quan điểm cho rằng “có khả năng quản lý đến đâu thì phát triển đến đó” mà lâu nay thỉnh thoảng ta vẫn nói là quan điểm không đúng, kìm hãm, cần điều chỉnh. Dĩ nhiên, cũng không phải phát triển mà không cần quản, để rối lên. Đừng hiểu cực đoan như vậy. Đó không phải là cách phát triển bền vững và cuối cùng sẽ lại không phát triển được. Điều muốn nói ở đây là công tác quản lý phải vươn lên, cố lên, tạo điều kiện và môi trường cho phát triển, phục vụ cho phát triển, mở đường cho phát triển, thế mới là kiến tạo.
Quản lý, quản trị là một khoa học. Phải sử dụng tối đa lực lượng khoa học của nước nhà, để Chính phủ được việc, có hiệu quả, mà giới khoa học cũng có điều kiện để phát huy, phát triển năng lực, cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc. Phải đầu tư đúng mức cho công việc đổi mới hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nước nhà. Tôi được biết có những nghị định chỉ được đầu tư vài chục triệu đồng. Ít quá. Vậy làm sao có chất lượng? Mà như thế đâu phải là tiết kiệm, là liêm chính. Trong khi đó, không ít đề tài nghiên cứu tốn khá nhiều tiền nhưng chẳng tìm ra được giá trị gì. Một số anh chị em làm khoa học đã rất cố gắng huy động vốn và tập hợp cán bộ để nghiên cứu ứng dụng. Sau nhiều năm vất vả, tâm huyết, đã có kết quả đáng mừng. Lãnh đạo nào, cơ quan nào cũng nói hoan nghênh, ủng hộ, khuyến khích nhưng cuối cùng vẫn không triển khai được trên diện rộng. Không phải do chất lượng, cũng không phải do giá thành mà do chẳng ai hỗ trợ trên thực tế dù đã kêu lên nhiều cấp, nhiều cửa. Những người tâm huyết với hoạt động khoa học ấy “bất lực”, chẳng biết làm sao, dù thật sự muốn cống hiến.
Cơ chế tạo cho con người ta thế đó. Đừng nghĩ là cơ chế đã tốt. Không đâu. Chưa ổn. Phải cải cách căn bản cơ chế quản lý hoạt động khoa học để có một nền khoa học tốt. Chỉ có khoa học mới kiến tạo và phát triển được. Đối với tình hình nước ta hiện nay, một Chính phủ liêm chính và kiến tạo phải là một Chính phủ không có “lợi ích nhóm”, quyết liệt chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” và quyết tâm đổi mới, đổi mới một cách căn bản đối với công việc quản trị quốc gia.
Công việc kiến tạo là của cả xã hội, không riêng gì Chính phủ. Nhưng Chính phủ và giới khoa học luôn đóng vai trò hàng đầu. Cả hai chủ thể ấy luôn cần có nhau. Họ phải là những người “bạn” thân thiết của nhau, thật sự tin tưởng và gắn bó với nhau, thường xuyên cộng tác để cùng phấn đấu cho sự phát triển của quốc gia. Như thế sẽ là đáng mừng, chắc chắn sẽ thành công.
Mùa Xuân về. Với một Chính phủ đã tuyên bố quyết tâm liêm chính và kiến tạo, ta cầu mong và chúc cho đất nước mình có nhiều đổi mới, thêm nhiều niềm vui mới!
Hà Nội, cuối năm 2016
Bình luận (0)