Ngày 28-12, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017.
Doanh nghiệp khởi sắc
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận năm 2016 là một năm thiên tai, nhân tai đặc biệt nghiêm trọng, khốc liệt xảy ra trên mọi miền đất nước. Trong đó, riêng sự cố môi trường ở miền Trung làm giảm 0,3% tăng trưởng GDP.
Tuy vậy, với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tăng trưởng GDP đạt 6,21%. Đặc biệt, thành tích phát triển doanh nghiệp (DN) khởi sắc khi lần đầu tiên có trên 110.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 891.000 tỉ đồng - cao nhất từ trước đến nay, tăng 16,2% về số DN và 48,1% về vốn.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, tồn tại để thảo luận và đưa ra các biện pháp khắc phục như: hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn; sự cố môi trường biển miền Trung gây hậu quả nghiêm trọng; các dự án ngàn tỉ thua lỗ mất vốn; các ngân hàng thương mại yếu kém, rủi ro cao; xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng; sai phạm trong công tác cán bộ...
Về phía địa phương, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết năm qua, TP có 36.000 DN thành lập mới. Năm 2017, TP HCM sẽ tập trung nâng cao hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, quyết tâm phát triển thêm 50.000 DN mới và đạt con số 500.000 DN vào năm 2020.
Ngoài ra, theo ông Phong, TP HCM còn bố trí gói tín dụng 1.000 tỉ đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, ưu tiên cho DN trẻ; bố trí 2.000 tỉ đồng cho chương trình kích cầu hỗ trợ DN đổi mới trang thiết bị, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất… TP HCM cũng đang xây dựng kế hoạch thực hành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, trí thức; có kế hoạch hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể đổi sang DN để có thể tiếp cận các chương trình, các chính sách hỗ trợ của TP.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết trong năm tới, Hà Nội sẽ phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh; tăng cường quản lý quy hoạch đô thị; thực hiện hiệu quả năm kỷ cương hành chính.
Thủ tướng đồng ý với báo cáo của Hà Nội khi địa phương này đã làm được nhiều việc như cải cách hành chính, tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy… Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng một vấn đề đang nổi lên ở Hà Nội là ùn tắc giao thông do cho xây dày đặc các chung cư cao tầng trong nội đô. “Chúng ta không thể chối bỏ nguyên nhân này. Đây là bài học kinh nghiệm trong quản lý quy hoạch mà tới đây Hà Nội phải xử lý” - Thủ tướng lưu ý.
Xóa bỏ tiêu cực “xin - cho”, “duyệt - cấp”, “sân trước - sân sau”
Đề cập dự thảo nghị quyết của Chính phủ về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ tập trung hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý, điều hành, kiểm soát việc thực thi quyền lực, bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ tiêu cực trong cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”.
Ông Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh: Phải ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thoái vốn, cổ phần hóa DN nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, quản lý và sử dụng biên chế; tăng cường hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền.
Về công tác cán bộ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định sẽ sắp xếp lại bộ máy, đẩy mạnh xã hội hóa, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cải cách chế độ công vụ. Đặc biệt, sẽ kiên quyết sàng lọc cán bộ làm việc kém hiệu quả, kém phẩm chất đạo đức, nhất là cán bộ quản lý và người đứng đầu các cấp. Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu ban hành các quy định xử lý kỷ luật cán bộ, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu, chuyển công tác; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính nhà nước.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia từ năm 2014-2016, định hướng đến năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, nhất là khâu thực hiện ở địa phương.
Bổ sung về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra tình trạng vô trách nhiệm với công việc, vô cảm với dân, để thất thoát tài sản nhà nước… diễn ra hằng ngày ở khối chính quyền. Vì vậy, tinh thần là phải chống có hiệu quả tình trạng hối lộ, chống “sân trước”, “sân sau” mà trước đây gọi là “móc ngoặc”. Thủ tướng cũng lưu ý: Đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, có biểu hiện suy thoái cần phải thay đổi ngay trong cả tư tưởng và hành động.
Gặp nhau hằng ngày, Tết không phải thăm
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại lệnh cấm tặng quà trong dịp Tết.
“Xin được nói với toàn thể quốc dân, đồng bào và các đồng chí bí thư, chủ tịch là các đồng chí không phải đi thăm Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các bộ trưởng nữa. Không phải chỉ miền Nam không ra Bắc mà ngay ở miền Bắc cũng không đến Hà Nội. Chúng ta gặp nhau hằng ngày, các đồng chí ở các tỉnh đi vào, đi ra, xếp hàng đến Hà Nội làm xe nhiều quá, chạy chật cả đường...” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)