xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguồn vốn tâm hồn

BÙI VIỆT QUÝ, ảnh: HUỲNH CÔNG BÁ

Những năm gần đây, một số gia đình tổ chức làm lễ thành hôn cho con tại chùa, gọi là lễ hằng thuận. Ngay tên gọi “hằng thuận” đã thấy thật hay và ý nghĩa, hàm ý mong muốn đôi vợ chồng trẻ suốt đời thuận thảo, thương yêu nhau, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững.

LÒNG NGƯỜI RỘNG MỞ

Lễ hằng thuận là một tục lệ từ những năm 50 của thế kỷ trước, tổ chức tại chùa Vọng Cung ở Nam Định, ngày nay được khôi phục, khá phổ biến với những gia đình theo Phật giáo hoặc quen nếp đi chùa. Tôi đã được tham dự một số lễ hằng thuận cùng vài gia đình thân thiết. Có một buổi tôi nhớ mãi là ở ngôi chùa tại quận 12, TP HCM; bên cạnh lễ hằng thuận còn có lễ cầu an của hai gia đình cho người thân. Những người dự lễ nghiêm trang chắp tay cúi đầu nghe đọc kinh, nghe lời thầy giảng về đạo nghĩa, cùng chúc cho đôi vợ chồng trẻ. Hết lễ hằng thuận, nhiều người tiếp tục ở lại để làm lễ cầu an, không phân biệt lễ nhà ai, cho ai. Ai cũng thấy cửa Phật từ bi, lòng người rộng mở, mong cho nhau sức khỏe, an lành.

Cũng tại những ngôi chùa, ngày nhỏ tôi thường được theo bà nội và ba mạ lên chùa dự đám giỗ. Đây là dịp được biết đến quy mô của các ngôi chùa lớn ở thị xã Quảng Trị, ở TP Huế, Đà Nẵng; được chiêm ngưỡng cảnh quan, thăm các trai phòng, hậu liêu; được nghe người lớn giải thích vì sao có chữ ăn chay, về khái niệm “liêu trai” trong văn chương, đời thực. Tại các đám giỗ, chúng tôi hiểu thêm nền nếp gia đình khi chứng kiến bà con dòng họ tiếp đón nhau trọng thị, tình cảm thế nào.

img

LẤY ĐẠO NGHĨA LÀM ĐẦU

Bây giờ, không còn khung cảnh xưa, chuyện gia phong đôi khi thành khó nói song vẫn có nhiều gia đình gìn giữ được qua những sinh hoạt thường ngày. Tôi nhớ lúc sinh thời, ba tôi luôn bài trí bàn thờ trang trọng, những ngày Tết ngoài bánh tét, ba đều gói thêm mấy cặp bánh chưng rất đẹp để cúng ông bà. Ba đốt trầm trong lư, đốt nhang và khăn đóng áo dài cúng vái, mong năm mới an lành cho toàn thể gia đình dòng họ, gia đạo luôn an khang, hạnh phúc. Ba cũng đốt trầm, thắp nhang mỗi khi mở tráp lấy quyển gia phả viết thêm lúc có những chuyện trọng đại của dòng họ cần ghi chép hay lúc dòng họ có thành viên mới. Ba giảng giải cho chúng tôi nghe về những điển tích, những câu chuyện liên quan đến lịch sử gia đình, dòng họ, trong lịch sử chung của quê nhà, của đất nước.

Với chúng tôi, nhiều việc ba làm đều xuất phát từ những điều rất thiêng liêng, càng lớn chúng tôi càng thấu hiểu để nghĩ về ba với sự hàm ơn sâu nặng. Do dòng họ của tôi có những quy định đặc thù trong gia phả như trai gái cùng họ không được lấy nhau, người cùng họ gặp nhau trên đường đời hãy coi nhau như anh em nên khi ba nằm bệnh viện, gặp một bác cùng họ ở phòng bệnh, đã nhận nhau làm anh em. Một người Quảng Nam, một người Quảng Trị nhưng nghĩa trọng tình thâm. Từ đó, các con cháu của hai gia đình đều biết nhau, thương quý nhau như ruột thịt, lúc hữu sự anh em đều xắn tay vào. Nay các bác và ba tôi đều đã quy tiên nhưng tình cảm của các con cháu vẫn duy trì.

VỮNG LÒNG TRƯỚC BIẾN THIÊN

Ngày tôi học lớp ba, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ba dặn tôi học thuộc một bài trong “Việt Nam thi nhân tiền chiến” của Hoài Thanh - Hoài Chân. Chiều tối ba về, tôi đọc cho ba nghe. Cứ vậy mà những bài dài ngắn tôi đều thuộc. Nghe tôi đọc từ những bài ngắn như “Mòn mỏi” (Thanh Tịnh), “Nắng mới” (Lưu Trọng Lư) đến bài dài như “Lỡ bước sang ngang” (Nguyễn Bính), ba rất vui. Ba cũng để cho tôi được tự do đọc tủ sách gia đình, các bộ truyện kinh điển hay văn chương hiện đại cùng các tạp chí Văn, Phổ Thông... để mở mang kiến thức. Lâu lâu, ba hỏi đố một câu, chỗ nào chưa hiểu thì ba giảng thêm cho hiểu. Cái sự học đâu chỉ ở trường mà còn là chỉ dạy của ba, của những trang sách mỗi ngày. Đọc sách cũng là để học làm người, ba thường dặn chúng tôi như vậy. Đó không chỉ là nếp nhà mà còn cho chúng tôi vốn tâm hồn để sống, dựa vào để vững lòng trước những biến thiên.

Ở thị xã Quảng Trị những năm 1960 có nhiều ngôi nhà cất theo kiểu xưa nhưng ai cũng biết hai dãy nhà thật to và dài, cất trên nền rất cao ở cách chợ Quảng Trị chừng 2 cây số. Nơi đây là nơi những cư dân xóm Bàu và những vùng thấp khác tới tá túc mỗi khi lụt về. Gia chủ cực kỳ tốt bụng, sẵn lòng đón tiếp mấy trăm con người với lỉnh kỉnh đồ đạc, chộn rộn suốt ngày. Lúc ngoài trời mưa to gió lớn, nước ngập cả thị xã, lé đé khoảng sân trước nhà thì người chạy lụt vào đây là được an toàn. Hết lụt, bà con quyến luyến chia tay gia chủ, gồng gánh đồ đạc ra về.

Những ngày nhỏ ở thị xã Quảng Trị, mỗi năm tôi được vài lần theo bà nội về làng Bích Khê bởi bà tôi là con gái họ Hoàng. Một ngôi làng nổi tiếng, thời nào cũng có hiền tài trong thiên hạ. Cảnh làng đẹp với hồ sen, ao cá, nhà thờ tôn nghiêm với các bức hình các tổ tiên đội mũ cánh chuồn mà trong nhận thức tuổi thơ tôi biết các cụ làm quan to lắm. Cái nền nã của bà nội tôi, các bà chị em của bà nội trong sinh hoạt hằng ngày cho thấy họ thừa hưởng một nền giáo dục tuyệt vời, thư thái mà quý phái, khiêm nhường mà thanh cao.

Vẫn biết người của mỗi thời và thời của mỗi người, thế gian biến cải, con người già đi thì dễ lạc hậu với thời cuộc, với những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhưng có những giá trị mãi trường tồn, đó là văn hóa, là tình thương yêu. Người nào được giáo dục từ tấm bé, có niềm tự hào chính đáng về gia đình, dòng họ, quê hương thì người đó luôn biết giữ gìn đạo nghĩa, không làm điều tổn hại đến thanh danh gia đình, dòng họ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo