Trong hơn 50 năm qua, ở nước ta hộ khẩu đã được sử dụng làm công cụ quản lý xã hội, kế hoạch hóa kinh tế và kiểm soát di cư, đặc biệt là trong thời bao cấp. Dù vậy, nó vẫn bất lực trước hàng loạt vấn đề về quản lý con người, đặc biệt làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong mấy lần tổng điều tra dân số, hầu hết đều bỏ sót nhiều cư dân đăng ký tạm trú. Chỉ đến năm 2016, lần đầu tiên Tổng cục Thống kê mới ước tính được tổng số người không có đăng ký thường trú tại 5 tỉnh/ thành phố được điều tra là 5,6 triệu người. Theo đó, khoảng 18% tổng dân số TP Hà Nội, 36% dân số TP HCM và 72% dân số tỉnh Bình Dương không có hộ khẩu thường trú.
Từ số liệu ấy, các chuyên gia đã nhận thấy những người tạm trú rất khó tiếp cận các dịch vụ công, đặc biệt về giáo dục và y tế - hai mảng rất quan trọng cấu thành nên thể chất, tinh thần của công dân. Đó là chưa kể đến những hạn chế khác, vô tình đẩy họ thành những công dân hạng 2.
Trên thế giới, hiện Việt Nam và Trung Quốc quản lý hộ khẩu "hai trong một" - có nghĩa là vừa quản lý xã hội qua hộ khẩu vừa gắn liền với các dịch vụ xã hội. Trong khi đó ở Pháp, Đức, Nhật chẳng hạn, các hộ gia đình được xem như một đơn vị hành chính pháp lý nhưng không gắn kết với nơi ở hay việc cung cấp các dịch vụ xã hội và công dân được số hóa từ khi mới lọt lòng mẹ.
Việc quản lý hộ khẩu ở nước ta trong thời gian qua đã không hiệu quả. Hộ khẩu từng bước bị vô hiệu hóa. Thực tế, mấy chục năm qua, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học ở TP HCM… vẫn sử dụng người không có hộ khẩu bằng hình thức hợp đồng lao động mà luật pháp cho phép. Gần đây nhất, UBND TP HCM đã có văn bản chấp nhận bỏ yêu cầu có hộ khẩu thường trú trong hồ sơ dự tuyển công chức, viên chức.
Tờ hộ khẩu cổ điển đang bị vô hiệu hóa. Nó càng bị vô hiệu hóa khi TP HCM đang thực hiện đề án đô thị thông minh, toàn bộ các dữ liệu liên quan đến con người đều được số hóa, với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng sống, làm việc và bảo đảm phát triển bền vững. Mô hình tương tự đang được xây dựng ở nhiều địa phương khác trong tiến trình xây dựng chính phủ thông minh.
Thực tế hiện nay, khi làm căn cước công dân, mỗi công dân được cấp một số định danh cá nhân, "số hóa" toàn bộ những thông tin căn bản về cá nhân. Khi toàn bộ công dân được "số hóa" thì tờ hộ khẩu không có lý do gì để tồn tại nữa.
Tuy vậy, trước mắt, hộ khẩu vẫn là rào cản nhất định làm làm khổ người dân, đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Đó là lý do cần gấp rút đơn giản tối đa việc cấp hộ khẩu thường trú cho công dân trong giai đoạn chuyển tiếp mô hình quản lý công dân bằng mã số công dân.
Bình luận (0)