Trước nỗi khổ của người dân, ông giám đốc Sở GTVT Hà Nội tuyên bố rằng họ phải chọn phương tiện giao thông khác cho phù hợp với nhu cầu đi lại. Chọn phương tiện khác, theo ông giám đốc Sở GTVT, người dân chỉ có cách cuốc bộ (bởi xe đạp cũng cần phải có chỗ gửi) hoặc... đừng đi lại nữa bởi ngoài phương tiện cá nhân, chỉ có duy nhất xe buýt mà ai cũng biết năng lực của loại phương tiện này vô cùng hạn chế.
Trong khi thu hồi mau chóng 262 điểm đỗ xe thì Sở GTVT vẫn còn đang báo cáo TP xem xét bố trí một số tuyến phố đủ điều kiện làm bãi đỗ xe cho người dân. Theo Sở GTVT Hà Nội, chỉ khi nào TP thông qua quy hoạch dài hạn các bãi đỗ xe mà cơ quan này đệ trình mới có thể giải quyết cơ bản nhu cầu đỗ xe trên địa bàn TP.
Thu hồi 262 điểm đỗ xe và trước đó là tăng phí trước bạ, tăng tiền gửi ô tô, xe máy, đổi giờ học, giờ làm... là những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông đã trở nên nghiêm trọng ở Hà Nội. Nhìn vào các biện pháp khác nhau này có thể thấy một điểm chung là nhằm vào người dân.
Ùn tắc giao thông đúng là một vấn đề nghiêm trọng cần phải giải quyết đối với Hà Nội cũng như TPHCM. Song, cũng phải thấy rằng để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp tổng thể từ nhiều phía, cả người dân lẫn chính quyền, chứ không thể chỉ nhăm nhăm điều chỉnh phía người dân là có thể giải quyết. Bên cạnh các giải pháp lâu dài như giảm mật độ giao thông, tăng phương tiện giao thông công cộng, mở mang đường sá, di dời các bệnh viện, trường đại học, nhà máy ra khỏi khu trung tâm TP, chính quyền cũng cần thực thi nhiều giải pháp giúp giảm ùn tắc như tổ chức lại giao thông, tăng cường lực lượng điều khiển giao thông... Chỉ đi lướt qua cũng có thể thấy không ít điểm ùn tắc là do tổ chức giao thông kém hay thiếu người điều khiển giao thông.
Cứ dồn khó cho dân như vậy thì quá dễ cho chính quyền song liệu làm thế có giải được bài toán ùn tắc giao thông hiện nay?
Bình luận (0)