Hàng loạt vụ “chặt, chém” khách du lịch trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và mới đây nhất là trường hợp một du khách Nhật Bản bị tài xế taxi “dù” lừa tiền rồi đấm vào mặt ngay tại trung tâm TPHCM đã đặt ra vấn đề hết sức phũ phàng: Ngành du lịch Việt Nam đang đuổi khách?
Du khách tắm biển tại Bãi Sau, TP Vũng Tàu. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Chỉ một đoạn đường Thùy Vân, khu vực Bãi Sau, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thôi mà cánh tài xế taxi, xe ôm đông như kiến và quần thảo khách tơi tả. Họ chèo kéo, dụ dỗ khách vào các quán ăn - nơi chủ quán đã thủ sẵn “dao”, khi tính tiền thì hét giá trên trời. Chủ quán thu bộn, “lại quả” cho đám “cò”, còn cơ quan chức năng địa phương thì dường như bất lực, buông xuôi trước sự ấm ức của du khách là nạn nhân.
Đành rằng nhu cầu tiêu dùng trong ngày nghỉ lễ luôn tăng cao khiến các khu du lịch bị quá tải, việc tăng giá các dịch vụ đi kèm là điều khó tránh song kiểu tăng vô tội vạ và sẵn sàng lừa lọc, chửi mắng, thậm chí hành hung đã khiến du khách luôn rơi vào tình trạng lo âu, bất an. Họ là khách hàng, nói cho sang là “thượng đế”, chứ nào phải con mồi mà bị đối xử như vậy!
Đi du lịch là tìm kiếm sự thoải mái và hưởng thụ. Thế nhưng, tình trạng nói trên mãi tái diễn làm cho người ta sợ... đi chơi. Nhất là du khách nước ngoài, một khi bị mất cảm tình rồi thì dù ngành du lịch Việt Nam có tô son trát phấn cỡ nào, họ cũng không đến nữa.
Có 2 nguyên nhân căn bản dẫn đến hiện trạng ấy. Một là, cơ quan quản lý thiếu “bàn tay sắt”. Ở Singapore, người ta phạt rất nặng (có khi đến mức phá sản) các hành vi gian lận đối với du khách. Còn ở ta, lực lượng chức năng cũng ra quân kiểm tra rầm rộ, có phát hiện và xử phạt nhưng kiểm soát không xuể, khi vừa rút đi thì đâu lại vào đấy, rồi thôi! Hai là, tư duy làm du lịch kiểu ăn xổi ở thì, mỗi địa phương làm mỗi kiểu, ai có cơ hội thì cứ đánh quả... Thế nên, có người ví du lịch nước ta giống như đám trẻ con tranh nhau nồi cháo!
2013 được Tổng cục Du lịch xác định là năm bản lề của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu đón 7,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế (tăng 5,15%), phục vụ 35 triệu lượt khách nội địa (tăng 7,7%) và tổng thu từ khách du lịch đạt 190.000 tỉ đồng, tăng 18,75% so với năm 2012. Ngành du lịch cũng đã đưa vào sử dụng logo và slogan mới “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” thay cho slogan “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn” cùng với kế hoạch phát triển những sản phẩm du lịch đặc sắc, định vị được du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế. Kỳ vọng là vậy nhưng nếu không thay đổi căn bản tư duy và hành động thì “vẻ đẹp” ấy sẽ trở nên... xấu xí; mọi nỗ lực và tiềm năng du lịch mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta cũng sẽ vô nghĩa.
Bình luận (0)