xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cha dượng của Tấn

Truyện ngắn của TRƯƠNG THỊ THÚY

Điện thoại reo liên hồi. Ba Tình quăng chiếc xẻng cắm phập vào đống cát, ra chỗ lán dùng để ngồi nghỉ mát ngó vào nơi có chiếc điện thoại đang sáng màn hình.

- Ê, Tấn, bà già mày gọi. Vừa gọi với lên giàn giáo, Ba Tình vừa bắt máy đưa lên tai, nói lớn: "A lô, Tấn nó đang làm, đang trển rồi. Để lát nó xuống gọi lại dì sau".

Đầu dây bên kia còn đang ú ớ chưa kịp nói gì, Ba Tình cũng chẳng cần nghe gì thêm, thông báo vậy rồi tắt máy. Không biết đầu dây bên kia có nghe tiếng không mà Ba Tình vừa ra khỏi lán, chuông điện thoại đã lại sôi lên sùng sục.

- Tấn, mày xuống coi xem bà già mày có việc gì mà gọi thấy ớn. Ngó bộ việc quan trọng đó. Tao nói vậy rồi mà vẫn gọi liên hồi.

Tấn gom hết chỗ vữa còn lại trong thùng dồn vào kẽ hở giữa hai viên gạch, nhẹ nhàng miết một đường trong, một đường ngoài cho nhẵn, bằng, không bị lem nhem rồi xuống. Gần cuối chiều rồi mà trời vẫn nắng như muốn thiêu người ta. Mồ hôi Tấn túa ra nhễ nhại trên khuôn mặt rám nắng, lưng áo lẹp nhẹp, dính dính như kiểu vừa xông hơi. Tấn rút cái khăn vắt trên cổ lau mồ hôi đang cay xè con mắt. Anh mở thùng nước đá, cầm chiếc ly to vục xuống múc, uống liền một hơi cạn. Đang định múc tiếp ly nữa thì điện thoại lại reo. Tấn nghe máy mà không mấy dễ chịu:

- Gì má?

- Hai à, ông ba mày… ổng đi đâu á…

Chưa để bà già nói hết câu, Tấn đã gắt lên:

- Má kỳ cục ghê, má không biết tui đang làm à? Ổng đi chơi chán rồi tự khắc ổng về chứ. Còn thằng con của ổng đâu, thằng quý tử của má ấy, sao má không kêu, cứ kêu tui vậy? Má nghĩ tui rảnh lắm hả?

Tấn bực dọc tắt máy. Bà già đầu dây bên kia vẫn chưa kịp nói gì.

Cha dượng của Tấn- Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Bà già mày cũng ác khí ghê chớ. Miếng ngon không tới, việc nặng có phần. Đối với mày chẳng khác gì con ghẻ nhỉ! Chẳng hiểu bả nghĩ gì nữa. Thua! Chắc lại điện đi tìm ông già dượng mày hả? - Ba Tình kích vào.

Tấn không nói gì, chỉ gật đầu, cảm thấy bực bội trong người, muốn chửi thề, muốn hét lên cho vỡ toang lồng ngực. Có bao giờ má nghĩ cho Tấn chưa? Có bao giờ má thương Tấn như thương thằng em chưa? Tuổi thơ Tấn toàn những sợ hãi và nước mắt. 

Sao má lại ghét Tấn vậy chứ? Mới ba hôm trước, ngày giỗ bà ngoại, má còn đóng cổng đuổi vợ chồng con cái Tấn, không cho vào nhà mà. Tấn chỉ muốn đưa vợ con về thắp hương bà ngoại vậy mà má nỡ la lối ầm lên rồi kêu thằng em Tấn đóng cổng lại.

Nghe nói, Tấn giống ba ghê lắm. Càng lớn càng giống, càng giống nên má càng ghét. Giờ thì Tấn gần ba mươi, giống như tạc từ người đàn ông đã bỏ má mà đi năm đó. Má hận người chồng bội bạc, tham phú phụ bần, rồi má đem cái sự hận đó trút lên Tấn. 

Ngày đó, hễ hở ra là má chửi: "Sao không đi với thằng cha mày luôn đi!". Bà ngoại lại ôm Tấn vào lòng, vỗ về. Tấn lúc đó mới ba bốn tuổi, sợ quá, khóc luôn. Tấn muốn ôm lấy má, sà vào má. Má ngồi thụp xuống mà khóc. Nhưng má không ôm Tấn vào lòng như bà ngoại. Má đẩy Tấn ra. Đẩy không được má gào lên. 

Những ngày như vậy cứ tiếp diễn đến khi Tấn đủ lớn để hiểu má ghét mình. Tấn cố gắng tránh mặt má nhiều nhất có thể trong chính ngôi nhà thân thuộc. Tấn sống lặng lẽ như cái bóng. Má lấy chồng khác, năm Tấn lên lớp bảy. Lớp chín, Tấn nghỉ học. Má chẳng nói gì. Rồi má sinh con. Đó là thằng em hiện giờ của Tấn, cùng má, không cùng cha.

Cha dượng của Tấn là một người hiền lành. Tấn biết ông thương mình nhưng vì sợ má nên ông chỉ dám thương vụng. Những lúc Tấn bị má la mắng, ông chỉ im lặng đứng nhìn rồi sau lén gặp Tấn ở chỗ Tấn trốn khóc một mình để dỗ dành. 

Nhưng Tấn nghĩ như thế là hèn. Là đàn ông mà sai đúng gì cũng không dám lên tiếng. Bởi vậy, Tấn ghét luôn ông. Năm Tấn nghỉ học, dù ông có khuyên cỡ nào Tấn cũng không chịu nghe, vẫn nhất quyết nghỉ.

Tấn theo người làng đi làm đủ các thứ việc từ năm mười lăm tuổi. Từ mò ốc, bắt cua đến gặt thuê, trồng dưa thuê… Lớn hơn, đủ sức Tấn xin đi phụ hồ. Việc gì cũng được, nặng nhọc mấy Tấn cũng làm, miễn có tiền, miễn bận rộn đến nỗi không có thời gian về. Nói vậy chứ Tấn vẫn về bởi trong ngôi nhà đó còn có bà ngoại chờ đón Tấn. 

Đến khi bà ngoại mất, Tấn gần như không về nữa. Vậy nhưng má cũng chẳng thèm hỏi han gì. Nhiều khi Tấn nghĩ không biết mình có phải là con má không nữa. Thằng em thì được má cưng chiều, cho học hành đàng hoàng, còn Tấn má coi như không có.

Tấn lắc cổ bên này bên kia kêu rắc rắc, uống thêm cốc nước rồi đứng dậy. Nắng bắt đầu đã dịu hơn, thi thoảng có cơn gió thoảng qua mang theo hơi cá từ phía cảng đưa vào. Khu này gần cảng cá, cứ sáng sớm là những thuyền lớn sẽ về bờ cân cá, còn buổi chiều, những thuyền lưới hoặc thuyền câu nhỏ sẽ cập bến. Họ đi từ sáng sớm, chiều sẽ về. Tấn đã từng đi thuyền cá như vậy chừng nửa năm. 

Đợt đó, biết Tấn muốn đi biển, cha dượng đã xin một người quen cho Tấn đi phụ việc. Nhưng được ít tháng, Tấn chán, bỏ luôn. Giờ nghe mùi cá, tự nhiên Tấn nhớ. Rồi Tấn nghĩ đến cha dượng. Ông ấy mấy năm gần đây bắt đầu có biểu hiện mất trí nhớ. Có khi gặp Tấn mà ông ấy cười cười rồi cứ ngớ ra. Mãi mới kêu được tên. Có khi nào ba đi mà quên luôn đường về?

Tấn vừa mới trèo đến nửa chừng giàn giáo, nghĩ vậy thì vội leo xuống, vào chỗ lán lấy điện thoại bấm gọi cho má.

- A lô, Hai à… (bà già nói như mếu).

- Ông ba đi khi nào vậy má?

- Ông ấy đi chơi từ sáng mà…

- Má nói sao? (Tấn hoảng hốt cắt ngang). Ông ba đi từ sáng mà sao giờ má mới gọi! Thế thằng Ân đã đi tìm những đâu rồi má?

- Nó đi học chưa về. Má gọi cho nó không được. Má tính gọi cho con mà…

- Thôi được rồi, má nhớ lúc ông đi mặc đồ gì không?

- Ông ấy mặc bộ đồ nâu thường ngày ở nhà đó, đi dép tổ ong, chẳng đội mũ nón gì cả. Ông chỉ nói đi loanh quanh hóng gió…

- Rồi, rồi. Để con đi tìm. Có gì sẽ gọi báo má.

Tấn xin nghỉ, rồi vội vàng phóng xe máy đi tìm. Trong lòng Tấn lúc này không còn chỗ cho sự hờn giận, chỉ toàn là lo lắng. Giờ biết ông ấy đi đâu mà tìm chứ. Tấn vừa đi vừa nghĩ, cuối cùng quyết định quay về gần nhà má, hỏi dò xem có ai thấy ba đi hướng nào rồi tính tiếp.

Chiều tà, mặt trời đã lặn nhưng ráng trời còn rực đỏ, nhức nhối. Tấn cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Chạy xe đến hai giờ rồi, hỏi hết các chỗ thân quen, mấy nơi ngày xưa ông ấy thường đến cả rồi. Cứ kiểu như ông ấy bốc hơi mất vậy. Tấn bấm điện thoại xem giờ, gần sáu giờ tối rồi. Chỉ lát nữa thôi, trời sẽ tối sập xuống. Giữa trùng trùng đêm tối, biết đâu mà tìm. Từ sáng đến giờ, ông đã được ăn uống gì chưa? Tối nay ông sẽ ngủ ở đâu? Chắc phải báo công an nhờ trợ giúp.

Tấn vừa chạy xe vừa lo lắng. Ông ấy dù là cha dượng của Tấn nhưng so với má, ông còn quan tâm Tấn hơn. Còn so với người cha đã bỏ má con Tấn mà đi thì ông ấy rõ ràng là người cha tốt. Mấy năm nay, ông ấy có biểu hiện mất trí nhớ của người già, cũng có khi là bệnh. Lúc nhớ, lúc quên. Có khi ông ấy chẳng nhớ được gì chuyện hiện tại, toàn nói chuyện quá khứ. Tấn nhớ ngày mình mới theo thuyền cá, chiều nào ông cũng ra cảng cá ngồi đợi thuyền về, Tấn vừa xuống thuyền, ông đã đến hỏi con có mệt không? Có say sóng không? Đi tàu cá có vui không?... 

Có bữa ông hỏi nhiều khiến Tấn cáu luôn. Tấn chợt dừng xe, đúng rồi, còn cảng cá là anh chưa tới tìm. Anh quay xe chạy theo con đường dẫn tới cảng cá. Từ đây tới đó cũng hơn bảy cây số. Sao ông đến đó được nhỉ. Thôi kệ, biết đâu đấy. Tấn cứ nghĩ miên man mãi, cuối cùng cũng đến cảng cá. Một mùi nồng quen thuộc xộc vào mũi. Những người mới đến sẽ thấy cảng cá bốc lên rặt mùi tanh khó chịu. Nhưng Tấn đã từng lăn lộn với cá, quen rồi.

Cảng cá sáng trưng ánh đèn, nhưng giờ này đã hết người. Bán mua đã xong, những tiểu thương đã tỏa ra các chợ từ chiều, chỉ còn ít người đang dọn dẹp. Tấn nhìn về phía bãi đậu thuyền, có dáng một người nhỏ thó, ngồi như bất động nhìn ra những chiếc thuyền đang nằm kề nhau im lìm như ngủ say sau chuyến đi biển. Đúng là ba rồi. Tấn mừng quá, vừa chạy tới vừa gọi:

- Ba! Ba Cang!

Nghe gọi tên, ông già quay lại. Khuôn mặt đang đờ đẫn chuyển sang cười tươi. Ông già vội đứng lên nhưng chắc do ngồi lâu quá, giờ đứng lên đột ngột khiến ông xây xẩm, lảo đảo. May Tấn chạy tới đỡ kịp.

- Sao ba lại ngồi ở đây? Ba đi đâu từ sáng đến giờ để má con kiếm hoài, thiếu điều muốn khùng luôn kìa.

Ông già cười cười đưa cho Tấn chai nước ngọt, giục:

- Uống đi cho đỡ khát con. Ba ra đây đón con mà, hai cha con mình cùng về. Mai làm giỗ bà ngoại, con xin nghỉ đi tàu một buổi nhé. À, mà tàu con đâu sao ba nhìn hoài không thấy, ba cứ sợ con có chuyện gì ngoài biển…

Ông già càng nói, Tấn càng như thấy tưng tức nơi lồng ngực, rồi nghèn nghẹn ở cổ. Thì ra ba nhớ tới những ngày mới gửi Tấn đi tàu cá, rồi ra đây chờ đón Tấn. Có lẽ, hôm giỗ bà ngoại, ba đã biết việc má Tấn đuổi vợ chồng con cái Tấn về. Trí nhớ ông bị đảo lộn hết cả.

- Sáng giờ ba ăn gì chưa?

- Chờ con về, cả nhà cùng ăn luôn!

Tấn quay đi, đưa tay chấm hai hốc mắt. Bấm máy gọi báo cho má. Bà má kêu Tấn đưa ba về rồi vào nhà má có chuyện muốn nói. Tấn dắt tay ba nói nhỏ:

- Để con đưa ba về.

Ông già ngồi sau xe, ôm chặt lấy Tấn. Ông vẫn nghĩ Tấn còn ở độ tuổi hai mươi, bằng chứng là suốt quãng đường từ cảng cá về nhà, ông toàn nói những chuyện như trước kia.

Tác giả Trương Thị Thúy

Sinh năm 1985, quê ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, đang là giáo viên tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Cha dượng của Tấn- Ảnh 4.

Bắt đầu sáng tác từ năm 2014, Trương Thị Thúy có nhiều tản văn, truyện ngắn đăng trên các báo và tạp chí trong nước.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo