Ngày 25-9, ông Trần Đức Dũng (SN 1953; trú thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cho biết vừa gửi đơn yêu cầu thi hành án đến TAND tỉnh Quảng Nam.
Trước đó, ngày 19-8, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành bản án phúc thẩm "khiếu kiện hành vi hành chính về công nhận liệt sĩ".
Trong đó, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Đức Dũng, buộc UBND tỉnh Quảng Nam phải cấp Giấy chứng nhận hy sinh cho anh Trần Văn Quý (con trai ông Dũng), thực hiện các thủ tục hành chính để trình hồ sơ cấp có thẩm quyền xem xét, xác nhận liệt sĩ đối với anh Trần Văn Quý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, buộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Quảng Nam thực hiện nhiệm vụ, công vụ, hoàn tất thủ tục hành chính để trình hồ sơ xem xét, xác nhận liệt sĩ đối với anh Trần Văn Quý theo quy định của pháp luật.
Theo nội dung bản án, anh Trần Văn Quý (SN 1987) là con của ông Trần Đức Dũng. Trước khi chết, anh Quý là cán bộ Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 2, thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam.
Hơn 13 năm trước, vào ngày 15-5-2011, trong khi đang cùng một số đồng đội thực hiện nhiệm vụ trục vớt gỗ do các đối tượng khai thác rừng trái phép cất giấu dưới lòng sông Mò O, thuộc xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thì anh Trần Văn Quý gặp nạn tử vong.
Sau khi anh Quý chết, ông Trần Đức Dũng đã yêu cầu cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sĩ đối với anh Quý. Do nhiều lần yêu cầu, đề nghị nhưng không được nên ông Dũng khởi kiện ra tòa.
Bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng xác định, kể từ sau khi anh Trần Văn Quý chết, các cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Nam trong phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn của mình đã có nhiều tờ trình, công văn có nội dung thể hiện quan điểm thống nhất trường hợp chết của anh Quý cần được công nhận liệt sĩ, đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận liệt sĩ cho anh Quý.
Trong khi đó, Bộ LĐ-TB-XH có nhiều văn bản trả lời trường hợp anh Trần Văn Quý "không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ". Bộ cho rằng trường hợp của anh Trần Văn Quý "không phải là hành động dũng cảm" thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng an ninh hoặc xả thân để cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân.
HĐXX xác định dù có nhiều văn bản như đã nêu nhưng nội dung các văn bản của tỉnh Quảng Nam chỉ nêu quan điểm, xin ý kiến mà chưa lập hồ sơ thủ tục hành chính theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền do Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH quy định.
Mặt khác, theo Quyết định số 113/2007/QĐ ngày 20-7-2007 của Thủ tướng Chính phủ, tại thời điểm năm 2011 thì xã Đại Sơn (huyện Đại Lộc) có tên trong danh sách là xã "đặc biệt khó khăn", nhưng trường hợp chết của anh Trần Văn Quý chưa được các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ LĐ-TB-XH xem xét công nhận liệt sĩ theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 11 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; cũng như khoản 4, Điều 3, Nghị định 54/2006/NĐ-CP ngày 26-5-2006 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, qua tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho rằng, ý kiến của đại diện Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam trình bày anh Quý vi phạm quy định về an toàn lao động là không đúng. Bởi lẽ, nhiệm vụ tìm kiếm trục vớt gỗ đang giấu dưới lòng sông mà phải mặc áo phao thì không thể thực hiện được.
Từ những nhận định nêu trên, HĐXX chấp nhận kháng cáo của ông Trần Đức Dũng, sửa Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Nam, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Đức Dũng, buộc UBND tỉnh Quảng Nam và Sở LĐ-TB-XH thực hiện các nội dung như đã nêu trên.
Theo khoản 1, Điều 11, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã quy định về liệt sĩ như sau:
đ) Đấu tranh chống tội phạm;
e) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;
g) Do ốm đau, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bình luận (0)