Chưa đầy 1 tháng nữa Nghị quyết về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ đi vào cuộc sống.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết hiện Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, trong đó đề xuất Chính phủ giao Bộ Tư pháp rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng... để hoàn thiện các quy định liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Cấm sử dụng, mua bán thuốc lá điện tử
Theo ông Quang, đây sẽ là cơ sở để các bộ ngành, các cơ quan, địa phương thực hiện việc cấm buôn bán, kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng như Nghị quyết Quốc hội nêu.
"Nghị quyết được thực thi từ năm 2025 là một quyết định lịch sử, rất quan trọng mang tính nhân văn, thể hiện tính nhất quán trong việc phòng ngừa người dân, đặc biệt là các đối tượng trẻ tuổi, thế hệ tương lai của đất nước khi các em đang chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng kết hợp sử dụng cả shisha, bóng cười gây nghiện và các chất kích thích khác. Bởi, việc sử dụng này không chỉ gây ra nhiều loại bệnh không lây nhiễm mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến chất lượng dân số của cả dân tộc"- ông Quang nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Công an, những năm gần đây, tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử thế hệ mới và thuốc lá điện tử có pha tẩm ma túy trên thế giới và ở Việt Nam diễn biến rất phức tạp, nhất là trên không gian mạng, các sàn giao dịch thương mại điện tử…
Với những tác hại khôn lường cho người sử dụng, Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm thuốc lá điện tử đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ tích cực của toàn xã hội, phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và xu hướng về mô hình bệnh tật không lây nhiễm đang tăng nhanh ở Việt Nam.
Việc cấm này rất toàn diện không chỉ có thuốc lá điện tử, thuốc lá mới, mà còn cấm cả những chất ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như bóng cười, shisha và chất lạ khác kích thích đến tâm thần của giới trẻ.
"Thuốc lá điện tử từ một sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng với Nghị quyết của Quốc hội, từ đầu năm 2025 sẽ là hàng cấm. Do đó, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, rà soát để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm khi kinh doanh, buôn bán sản phẩm này trên thị trường"- ông Quang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Quang cho rằng Bộ Công an cần tăng cường công tác nghiệp vụ, điều tra, khám phá các vụ vận chuyển mặt hàng cấm này. Từ các vụ việc được triệt phá, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân đối với các sản phẩm bị cấm. Đồng thời, tiếp tục truyền thông, nhấn mạnh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là hàng cấm, không được phép kinh doanh, sử dụng.
Tăng nguy cơ rối loạn tâm thần
Cảnh báo những mối nguy hại mới từ thuốc lá điện tử, nhất là với thanh thiếu niên, bác sĩ Nguyễn Thành Long, Phòng sử dụng chất và y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết việc hút thuốc lá ở độ tuổi thanh thiếu niên gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần.
Theo các nghiên cứu và báo cáo trên thế giới, việc sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ làm trẻ em và thanh thiếu niên tiếp xúc với thuốc lá sớm hơn. Trẻ em thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì có nhiều thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi, có xu hướng tò mò thích khám phá, thích tìm kiếm cảm giác mới, và thử thách với các mạo hiểm rủi ro.
Trẻ thường lấy lý do việc sử dụng thuốc lá điện tử khác và tiên tiến hơn (không gây mùi hôi, có hương vị dễ chịu, ít thành phần hóa học gây nguy hiểm hơn) để có thể dùng thuốc lá điện tử từ sớm. Việc sử dụng sớm khi não bộ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện về mặt chức năng khiến trẻ có nhiều nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần hơn so với người trưởng thành và nhóm trẻ cùng lứa tuổi: Các rối loạn cảm xúc và hành vi, rối loạn loạn thần có thể dễ dàng xảy ra hơn.
Bác sĩ Long cho rằng để ngăn chặn việc con sử dụng thuốc lá, phụ huynh cần có sự hỗ trợ và đồng hành về mặt tâm lý cho trẻ, rèn luyện và xây dựng các kỹ năng đối phó căng thẳng phù hợp, tạo lối sống lành mạnh, có nhận thức hơn về tác hại; nguy cơ sử dụng thuốc lá điện tử nói riêng và các chất gây nghiện nói chung để trẻ chủ động "nói không" với việc tiếp xúc các chất gây nghiện.
Cha mẹ cũng cần trang bị kiến thức phát hiện sớm khi trẻ có các biểu hiện bất thường có thể liên quan sử dụng thuốc lá điện tử và chất gây nghiện (thu rút, hạn chế tiếp xúc, lo lắng, căng thẳng, dễ cáu gắt, bùng nổ, rối loạn hành vi), để đưa con đến các sơ sở y tế tư vấn và thăm khám kịp thời.
Bình luận (0)