Nhằm xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, lần đầu tiên chế độ trợ cấp hưu trí xã hội (HTXH) được đưa vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2024. Chế độ trợ cấp này nhắm đến người cao tuổi và nguồn tài chính thực hiện là từ ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh dân số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn "dân số già" vào năm 2036, việc bổ sung chế độ trợ cấp HTXH vào hệ thống BHXH được đánh giá là phù hợp, đồng thời thể hiện sự nỗ lực của nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người già, nhất là những người không có thu nhập từ trợ cấp BHXH.
Thu hẹp đối tượng hưởng
Theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đối tượng được hưởng trợ cấp HTXH là công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật và phải đáp ứng 2 điều kiện: đủ 75 tuổi trở lên; không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ.
Theo TS Lê Thị Thúy Hương, giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, trợ cấp HTXH là một bước đột phá trong quá trình cải cách chính sách BHXH, tuy nhiên quy định này còn bất cập. Cụ thể, HTXH là khoản trợ cấp dành cho người cao tuổi nhưng với việc quy định đối tượng hưởng là "công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định" đã loại trừ những người được xác định là người cao tuổi theo pháp luật về người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi) nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Bên cạnh đó, quy định này cũng chưa thống nhất với điều kiện về tuổi để được thụ hưởng chế độ của dự thảo (phải đủ 75 tuổi trở lên). Mặt khác, độ tuổi 75 trở lên là khá cao so với mức tuổi sàn xác định là người cao tuổi, dẫn đến trường hợp sẽ có những người cao tuổi không bao giờ có cơ hội hưởng trợ cấp HTXH, ngay cả khi Nhà nước có thực hiện việc điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp HTXH.
"Điều kiện về độ tuổi cùng với quy định người thụ hưởng phải không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ khiến phạm vi áp dụng bị thu hẹp" - bà Hương nhìn nhận.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thanh Huyền, giảng viên Trường ĐH Luật - ĐHQG Hà Nội, cho rằng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) chưa thống nhất và chưa rõ ràng khi quy định về đối tượng hưởng thì bao gồm nhưng điều kiện hưởng lại loại trừ nhóm đối tượng người cao tuổi từ 60-75 tuổi.
Theo bà Huyền, nên bổ sung một số đối tượng hưởng là: người cao tuổi từ đủ 60 tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ phụng dưỡng hoặc người có nghĩa vụ phụng dưỡng đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; người cao tuổi từ đủ 70-75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. TS Nguyễn Thị Bích, Trưởng Bộ môn Luật Lao động Trường ĐH Luật TP HCM, đề xuất nên cho phép người cao tuổi hưởng trợ cấp HTXH từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì chờ đến 75 tuổi.
Nên quy chiếu mức trợ cấp
Cũng liên quan đến điều kiện hưởng, theo một số chuyên gia, quy định tại dự thảo luật chưa chặt chẽ khi không đề cập việc người cao tuổi đáp ứng đủ cả 2 điều kiện theo quy định nhưng có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng thì có được hưởng chính sách không; cũng không quy định về việc có cần kiểm tra mức thu nhập (ngoài lương hưu/trợ cấp BHXH) của người đủ tuổi hưởng trợ cấp HTXH trước khi ra quyết định phê duyệt cho hưởng trợ cấp HTXH. Việc quy định không rõ ràng có thể dẫn đến nguy cơ áp dụng tùy tiện hoặc lạm dụng trong triển khai loại trợ cấp này trên thực tế.
Theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), người đáp ứng điều kiện sẽ được hưởng trợ cấp HTXH hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Đồng thời, tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội tại địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp HTXH. Ngoài ra, người đang hưởng trợ cấp HTXH còn được hưởng BHYT và khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.
Góp ý quy định này, TS Lê Thị Thúy Hương đề xuất nên quy chiếu mức trợ cấp HTXH theo mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu. "Cách làm này sẽ tạo sự thuận lợi cho Chính phủ vì hằng năm chỉ cần điều chỉnh lương cơ sở hoặc lương tối thiểu thì khoản trợ cấp này cũng sẽ được tự động điều chỉnh" - bà Hương nói.
TS Nguyễn Thanh Huyền cho rằng việc trao quyền quy định mức trợ cấp HTXH cho Chính phủ là phù hợp và bảo đảm sự ổn định của đạo luật. Tuy nhiên, đối với khoản trợ cấp mai táng phí thì nên quy định bằng 20 lần mức trợ cấp HTXH hằng tháng thay cho mức 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội sẽ hợp lý hơn.
Dễ phát sinh so sánh
Theo ông Trần Thanh Sơn, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM), từ trước đến nay, chế độ hưu trí được xem như sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động có tham gia BHXH khi đến tuổi nghỉ hưu; chế độ hưu trí do quỹ BHXH chi trả. Tuy được gọi là trợ cấp HTXH nhưng chế độ này nhằm mục đích trợ cấp cho người cao tuổi; việc trợ cấp không hướng tới việc bù đắp hay thay thế sự giảm sút về thu nhập và đối tượng thụ hưởng là người không tham gia BHXH. Nguồn tài chính để thực hiện trợ cấp không phải dựa trên sự đóng góp mà được bảo đảm từ ngân sách nhà nước. Như vậy, bản chất trợ cấp HTXH là một chế độ trợ cấp xã hội, không phải là một loại hình BHXH. Cho nên, nếu đưa vào Luật BHXH, trong suy nghĩ của người lao động có tham gia BHXH sẽ phát sinh sự so sánh giữa người phải đóng BHXH mới được hưởng và người không đóng nhưng cũng được hưởng.
Bình luận (0)