Ngày 31-10, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp với BHXH thành phố tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) và chính quyền thành phố.
Phải gộp sổ BHXH
"Công ty chúng tôi có một trường hợp người lao động (NLĐ) làm việc từ tháng 6-2023 đến nay nhưng không thể thực hiện thủ tục tham gia BHXH được, nguyên nhân là NLĐ này có 2 mã sổ BHXH, trong đó có một mã sổ đã hủy từ năm 2013. Thực tế sau năm 2013, NLĐ có đi làm tại một số doanh nghiệp (DN) và vẫn được BHXH quận Tân Bình, TP HCM cho tham gia BHXH trên mã sổ BHXH đã bị hủy.
Khi vào làm tại công ty thì BHXH TP Thủ Đức không cho phép DN tăng mới mà yêu cầu NLĐ phải giải quyết cho xong 2 mã sổ BHXH. Công ty cũng đã gửi văn bản đến BHXH TP HCM nhưng chưa được hướng dẫn cách xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ" - đại diện Công ty TNHH Phần mềm FPT (quận 9, TP HCM) nhờ giải đáp.
Về thắc mắc này, bà Phan Thị Mai, Trưởng Phòng Quản lý Thu, Sổ - thẻ BHXH TP HCM, cho hay đối với trường hợp nêu trên thì nơi đang thu BHXH tại sổ hủy (BHXH quận Tân Bình) phải xử lý giảm quá trình tham gia trên sổ hủy, tăng quá trình trên mã sổ không hủy, chốt sổ BHXH, sau đó NLĐ tiếp tục quá trình tham gia BHXH của mình. Đại diện BHXH TP HCM cho biết sẽ phối hợp với BHXH các địa phương liên quan để tìm hiểu thông tin và giải quyết dứt điểm trường hợp này nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
BHXH thành phố cũng lưu ý hiện nay những NLĐ có từ 2 mã sổ BHXH trở lên sẽ không được giải quyết chế độ khi chưa gộp sổ. Do vậy, NLĐ nào chưa gộp sổ thì phải thực hiện gộp sổ. Việc gộp sổ có thể do NLĐ tự làm hoặc DN làm thay. Trong quá trình gộp sổ BHXH cho NLĐ, nếu phát hiện trường hợp đóng trùng, cơ quan BHXH thoái thu và sẽ chuyển khoản trực tiếp cho NLĐ, không thực hiện chi trả tiền mặt. Do vậy, khi kê khai hồ sơ, NLĐ phải ghi số tài khoản vào hồ sơ (mẫu TK1) để cơ quan BHXH thực hiện việc hoàn trả.
Liên quan vấn đề quyền lợi NLĐ giải quyết thế nào khi trong quá trình tham gia có thời gian chưa chốt sổ BHXH, bà Phan Thị Mai cho hay đối với trường hợp sổ BHXH chưa chốt vẫn có thể tiếp tục tham gia BHXH ở đơn vị mới. Tuy nhiên, khi NLĐ nghỉ việc và trong quá trình tham gia có khoảng thời gian chưa được chốt sổ BHXH thì cơ quan BHXH sẽ không thể chốt toàn bộ quá trình đóng để giải quyết các chế độ cho NLĐ.
Vậy nên, NLĐ phải yêu cầu nơi chưa chốt sổ thực hiện việc chốt sổ BHXH. Riêng đối với các trường hợp DN đang nợ BHXH thì cơ quan BHXH thực hiện chốt sổ theo nguyên tắc thời gian tham gia thực tế đến đâu, chốt sổ đến đó. Sau khi DN khắc phục nợ, cơ quan BHXH sẽ bổ sung quá trình tham gia cho NLĐ.
Người lao động làm thủ tục tại BHXH TP HCM
Có hợp đồng là phải tham gia BHXH
Một trong những vấn đề khiến nhiều DN lúng túng trong quá trình thực hiện chính sách BHXH là có phải tham gia BHXH đối với NLĐ trong thời gian thử việc; NLĐ ký các loại hợp đồng khoán việc, cộng tác viên, làm việc không trọn thời gian... cũng như mức lương căn cứ đóng BHXH (nếu có) đối với các đối tượng này.
Đại diện Công ty TNHH Sacom - Chíp Sáng (TP Thủ Đức, TP HCM) đặt câu hỏi: "DN có phải đóng BHXH cho NLĐ được thuê khoán làm công việc sửa chữa, kiểm tra máy tính, mạng khi có phát sinh; thời gian làm việc linh hoạt (chỉ vài ngày trong tháng), tiền thuê hằng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hay không?".
Theo BHXH TP HCM, Bộ Luật Lao động có quy định hợp đồng lao động (HĐLĐ) là sự thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là HĐLĐ.
Như vậy, nếu DN ký kết hợp đồng với các tên gọi khác nhau nhưng có nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là HĐLĐ và phải đóng BHXH bắt buộc. Do đó, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm xác định rõ loại hợp đồng giao kết với NLĐ có phải là HĐLĐ không để giao kết và tham gia BHXH theo quy định (nếu ký HĐLĐ thời hạn từ 1 tháng trở lên).
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, mức lương đóng BHXH cho NLĐ thấp nhất là bằng mức lương tối thiểu vùng. Cho nên, dù lương thực tế trả thấp hơn lương tối thiểu vùng, DN vẫn phải đóng BHXH theo đúng quy định.
Cũng theo BHXH TP HCM, trong thời gian thử việc, NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, trong trường hợp DN thực hiện ký gộp chung HĐLĐ với hợp đồng thử việc thì cần có thỏa thuận rõ các mốc thời gian thử việc, thời gian trở thành chính thức trong HĐLĐ để làm căn cứ tham gia BHXH cho NLĐ. Trường hợp không phân định rõ các mốc thời gian, có khả năng DN sẽ phải đóng BHXH cho cả thời gian thử việc vì cơ quan BHXH thu BHXH căn cứ trên HĐLĐ.
Tạo thuận lợi tối đa cho người lao động
Liên quan đến phản ánh của các DN về việc hiện nay dữ liệu tham gia BHXH của NLĐ đã được đồng bộ trên ứng dụng BHXH số VssID nhưng vẫn xảy ra tình trạng trùng quá trình đóng, NLĐ phải làm các thủ tục gộp sổ BHXH, giảm trùng... Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, chia sẻ đây là vấn đề do lịch sử để lại. Trước đây, công nghệ thông tin chưa phát triển, NLĐ mỗi lần thay đổi nơi làm việc lại được cấp thêm sổ mới dẫn đến một người có thể có nhiều sổ BHXH. Sau khi ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý BHXH thì phát sinh thêm vấn đề liên quan đến CMND, CCCD, cho mượn hồ sơ đi làm việc… nên khi đồng bộ dữ liệu lên hệ thống thì phát sinh các tình huống nhiều số sổ, đóng trùng… "Hiện nay cơ quan BHXH đang cố gắng đưa việc quản lý người tham gia vào hệ thống cho chuẩn để sau này hạn chế tối đa các tình huống phát sinh, tạo thuận lợi cho NLĐ trong việc tham gia và hưởng chế độ" - ông Hà cho hay.
Bình luận (0)