Theo báo cáo Digital Vietnam in 2024, do We Are Social công bố, tới đầu năm nay, có 78,44 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam, tỉ lệ tiếp cận internet đạt 79,1%; 72,7 triệu người sử dụng mạng xã hội (MXH), tương đương 73,3% dân số; 168,5 triệu kết nối di động, tương đương 169,8% dân số; thời gian dành cho MXH là gần 2,5 giờ/người/ngày. Khảo sát mới nhất của NielsenIQ Việt Nam cũng cho thấy người Việt dành 13 giờ/tuần chỉ để xem livestream bán hàng.
"Nghiện" mạng xã hội
Anh Nguyễn Công Sang - nhân viên văn phòng tại quận 1, TP HCM - thừa nhận đang dần biến thành "con nghiện" MXH khi ngày nào cũng bỏ thời gian truy cập các nền tảng TikTok, Facebook... để tương tác "dạo", dù công việc rất bận rộn.
"Mỗi ngày tôi dùng MXH 4-5 giờ; nếu có phiên live bán hàng của các "chiến thần" như Hằng Du Mục, Võ Hà Linh... thì có thể nhiều hơn. Có lần tôi bày tỏ quan điểm trong các bài viết và hứng chịu công kích đến mức mất ngủ, rồi quyết tâm bỏ MXH nhưng cũng khó" - anh Sang kể.
Không chỉ mê xem livestream, sức hấp dẫn của các phiên bán hàng trực tuyến còn khiến anh Sang "nuôi mộng" trở thành KOL. "Bây giờ, nhiều người lên MXH đã kiếm được tiền, bất kể già trẻ. Vì thế, tôi dự định rẽ hướng sang làm KOL, hoạt động dưới dạng affiliate (tiếp thị liên kết) để hưởng hoa hồng" - anh Sang cho biết.
Cũng "nghiện" MXH không kém, chị Đào Hoàng Yến (quận Phú Nhuận, TP HCM) cho biết mỗi ngày thường mất khoảng 5 giờ để lướt các trang mạng xã hội. Trong đó, TikTok là nền tảng "cuốn" chị nhất bởi có các video ngắn với nội dung câu view.
"Nhiều lúc đang làm việc mà tôi cũng quen tay mở MXH để lướt một vài tin tức hấp dẫn hoặc săn sale, "chốt đơn". Sau đó, dù tự nhận thấy mình đã lãng phí nhiều thời gian, tiền bạc nhưng vẫn duy trì thói quen chơi MXH để xả stress" - chị Yến thừa nhận.
Nguy hiểm hơn, trên MXH có nhiều nội dung khoe cuộc sống sang chảnh, giàu có khiến người tiếp cận thấy ngưỡng mộ. Lâu ngày, họ sinh ra chán nản với cuộc sống, công việc hiện tại, từ đó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất, tinh thần, quan hệ xã hội và hiệu suất làm việc.
Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, đặc trưng của "cơn nghiện" MXH là ham muốn liên tục kiểm tra, đăng bài hoặc tham gia các trang mạng như Facebook, Instagram, X hoặc TikTok... Điều này gây ra hậu quả khác nhau theo từng lứa tuổi. Trong đó, đối với trẻ em và thanh thiếu niên, sử dụng MXH quá mức làm giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp trực tiếp.
Trẻ em cũng có thể trở thành nạn nhân của quấy rối trực tuyến, cảm thấy áp lực khi so sánh bản thân với người khác và dễ tiếp cận với nội dung không phù hợp. Ở người trẻ, "nghiện" MXH làm giảm hiệu quả học tập và làm việc, gây căng thẳng, lo âu và các vấn đề tâm lý khác.
Nguy hiểm khó lường
Bà Nguyễn Lê Trang Ly, Giám đốc Trung tâm Phát triển Kinh doanh Công ty CP IDTEK, cho rằng nghiện MXH gây tác hại rất lớn đến sức khỏe, tâm lý. Thậm chí, ở mức độ nặng còn khiến người dùng bị trầm cảm, lo âu khi so sánh mình với người cùng trang lứa đang thành công hơn trên mạng, dù chưa rõ thật giả ra sao.
Cũng theo bà Ly, việc chìm đắm trong thế giới ảo, thiếu thời gian dành cho cuộc sống thật còn làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ. Bên cạnh đó, việc sử dụng thiết bị điện tử như laptop hoặc điện thoại trước khi đi ngủ hay thức thâu đêm để xem livestream sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây ra mệt mỏi trong ngày mới.
"Livestream bán hàng có sức hấp dẫn lớn, kích thích tâm lý "sợ bỏ lỡ", khiến người xem phải mua ngay. Hậu quả là người dùng mạng xã hội dễ bị mất kiểm soát chi tiêu, gây lãng phí tiền bạc, thậm chí rước bực vào người khi mua phải hàng kém chất lượng" - bà Ly chỉ ra.
ThS tâm lý - bác sĩ Mai Thị Nguyệt, Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cảnh báo việc lạm dụng mạng xã hội và livestream có thể làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dùng. "Khi bị cuốn vào thế giới ảo, họ có thể dễ dàng bắt chước những hành vi trong đó. Nếu hành vi đó là xấu thì sẽ ảnh hưởng đến nhân cách, ứng xử của người dùng và làm con người mất kết nối với xã hội thực" - bác sĩ Nguyệt phân tích.
Với riêng trẻ em, theo bác sĩ Nguyệt, do thiếu khả năng phân biệt thông tin, các em sẽ dễ bị tác động tiêu cực từ thế giới ảo, dẫn đến trẻ ngày càng xa cách thực tế, không quan tâm đến người xung quanh và không quản lý được cảm xúc.
Bác sĩ Mai Thị Nguyệt khuyến cáo phụ huynh cần nhận thức rõ về tác hại của việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức, hạn chế sử dụng điện thoại và MXH, đồng thời có giải pháp "điều tiết" cho bản thân cũng như cho con cái của mình.
Bình luận (0)