Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 249/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Thông báo nêu rõ, thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát huy vai trò trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến việc làm, tiền lương. Chủ động nắm tình hình thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, kịp thời phản ánh tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ những vấn đề phát sinh cần giải quyết.
Một trong những kiến nghị quan trọng của Tổng Liên đoàn Lao động liên quan đến việc giảm thời giờ làm việc bình thường cho người lao động xuống thấp hơn mức 48 giờ mỗi tuần.
Về kiến nghị này, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát, đánh giá và đề xuất các chính sách nhằm giảm thời giờ làm việc cho người lao động. Việc này cần đảm bảo phù hợp với thực tiễn, quá trình nâng cao năng suất lao động của Việt Nam và trình độ phát triển hiện tại của đất nước.
Được biết trước đó, tại các diễn đàn đóng góp ý kiến, Tổng LĐLĐ Việt Nam và nhiều cán bộ tại cơ sở đã kiến nghị giảm giờ làm trong khối doanh nghiệp xuống thấp hơn 48 giờ/tuần, đảm bảo công bằng với khu vực hành chính nhà nước (40 giờ). Mục tiêu để lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lực, chăm lo cho gia đình.
Theo số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại 154 nước và vùng lãnh thổ, Việt Nam thuộc nhóm có thời giờ làm việc cao trên thế giới và khu vực. Cụ thể, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần (từ 48 giờ/tuần trở lên) và số giờ làm việc trung bình năm (khoảng 2.339 giờ) cao nhất thế giới.
Luật hiện hành quy định lao động làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 tiếng mỗi tuần. Nhà nước cũng khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Tuy nhiên rất ít doanh nghiệp làm được điều này.
Bà Châu Thị Ngọc Liên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thái Sơn S.P (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho rằng giảm giờ làm là cần thiết để tạo sự công bằng giữa người lao động làm việc tại khu vực công và khu vực DN ngoài nhà nước. Giảm giờ làm nhưng không giảm lương, đây cũng là nguyện vọng của người lao động. Tuy nhiên, bà Liên cũng cho rằng cần xem xét thời điểm áp dụng phù hợp nếu giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần hay 40 giờ/tuần sẽ khiến doanh nghiệp tăng chi phí do tăng thời gian tăng ca.
Bình luận (0)