Theo Bộ LĐ-TB-XH, đây là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, nên bộ sẽ nghiên cứu đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động.
Trước đó, trong phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội ngày 31-10-2023, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhận định việc giảm giờ làm là hết sức cần thiết. Ở khu vực công từ năm 1999 đã áp dụng thời gian làm việc 40 giờ/tuần. Khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại 154 nước cho thấy chỉ 2 nước có số giờ làm việc trên 48 giờ/tuần; 1/3 số nước áp dụng 48 giờ như Việt Nam và 2/3 các nước làm việc từ 48 giờ trở xuống. Mặt khác, chúng ta có quy định giờ làm thêm từ 200-300 giờ/năm; tổng thời gian làm việc thực tế của NLĐ là tương đối cao so với mặt bằng chung của các nước.
Trước hết, giảm giờ làm việc trong tuần là xu thế tất yếu, không thể khác. Đa số các nước trên thế giới đều áp dụng chế độ làm việc dưới 48 giờ/tuần. Song, thời điểm nào áp dụng ở Việt Nam thì cần cân nhắc thấu đáo với các luận chứng thuyết phục và tính khả thi cao, hiệu quả đem lại là tích cực, đóng góp thực sự vào phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần dựa trên các yếu tố để bảo đảm tính hiệu quả trong thực thi, đó là điều kiện kinh tế- xã hội; năng suất lao động xã hội và nhu cầu bức bách của đối tượng áp dụng…
Về điều kiện kinh tế - xã hội, rất cần nghiên cứu để đưa ra câu trả lời thỏa đáng đã phù hợp chưa trong thời gian này. Về năng suất lao động xã hội cũng như tổng sản phẩm xã hội của nước ta hiện nay còn thấp, việc giảm giờ làm nếu áp dụng sớm có đem lại hiệu quả không cũng cần được xem xét, nghiên cứu kỹ.
Về nhu cầu của đối tượng áp dụng là doanh nghiệp (DN) và NLĐ, có thể thấy sau đại dịch COVID-19, khái niệm việc làm và thời gian làm việc cũng có những thay đổi mang tính bước ngoặt, nhất là sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, xu hướng làm việc từ xa, làm việc qua mạng trở nên phổ biến. Nhiều DN thiếu đơn hàng, đến khi có đơn hàng thì mong được hoàn tất càng sớm càng tốt để có doanh thu, để trả lương cho NLĐ. Bản thân NLĐ cũng muốn có việc làm thường xuyên và ổn định hơn sau thời gian thiếu việc, chờ việc, thu nhập giảm sút. Nhiều NLĐ sẵn sàng làm thêm giờ để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.
Đất nước ta có nhiều điểm đặc thù do hoàn cảnh lịch sử để lại, cũng như tác động của đại dịch COVID-19 lên hoạt động của DN và đời sống, việc làm của NLĐ. Do đó, cần có cái nhìn khoa học, biện chứng và khách quan để cân nhắc vấn đề giảm giờ làm. Cần nghiên cứu, tính toán và áp dụng một cách khoa học theo từng thời điểm, từng nhóm đối tượng là cách tốt nhất, tránh áp dụng một cách cứng nhắc, có thể được về lý mà không đạt về tình hoặc ngược lại.
Bình luận (0)