xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chính sách phải hài hòa lợi ích

Y QUA

Đề nghị phạt nguội người đi xe máy do Bộ trưởng Giao thông Vận tải nêu ra tại hội nghị sơ kết an toàn giao thông 3 tháng đầu năm, hôm 24-4, gây tranh luận nhiều trong tuần này.

Theo ông, xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, chiếm tới 80%-90% số phương tiện lưu thông trên đường. Tăng cường phạt nguội để cải thiện được hành vi của người đi xe máy thì chắc chắn sẽ kéo giảm tai nạn giao thông...

Phạt nguội ô tô hiện đã áp dụng đại trà, còn phạt nguội mô tô hiện mới có một số ít tỉnh áp dụng, chẳng hạn Bắc Giang. Quan điểm của Bộ trưởng là đúng về mặt lý thuyết, dễ thấy, dễ hiểu và dễ thuyết phục. Còn trên thực tế thì phải cân nhắc về tính khả thi và hiệu quả.

Cả nước có khoảng 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. Phạt nhiều ắt sẽ phát sinh khối lượng công việc rất lớn cho lực lượng chức năng, cụ thể là CSGT, thì liệu có kham nổi? Thêm nữa, số lượng phương tiện vi phạm bị tạm giữ tại các địa phương đang rất lớn, ngày càng tăng, quá tải. Như ở TP HCM, có khoảng 155.000 xe tang vật, hiện thiếu rất lớn diện tích chứa xe vi phạm.

Nếu "siết" phạt nguội xe máy, tức là khi chủ phương tiện có xe vi phạm mà không đóng phạt sẽ bị chế tài bằng cách thu giữ xe, thì lượng phương tiện bị "bỏ" sẽ gia tăng. Khi đó, tình trạng quá tải kho bãi tạm giữ sẽ trầm trọng thêm, tạo gánh nặng cho lực lượng công vụ.

Ngoài ra, phải công tâm nhìn nhận vì sao xe máy vi phạm nhiều? Ngoài nguyên nhân chủ quan là ý thức kém của người điều khiển xe, còn bởi lý do khách quan là hạ tầng giao thông chật hẹp, xuống cấp, bất hợp lý. Ở những đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội, một số tuyến đường có 3 làn xe thì xe tải và ô tô chiếm cả, xe máy chỉ biết chen chúc hoặc leo lề!

Một đề xuất khác, là của Bộ trưởng Công Thương, đối với dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Tại hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo chiều 24-4, ông cho biết Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ không được bán hoặc bán giá 0 đồng, tức là người dân có thể bán phần dư thừa nhưng nhà nước chỉ ghi nhận sản lượng, không thanh toán tiền. Quan điểm của Bộ Công Thương là nhằm bảo đảm không quá tải hệ thống và chống trục lợi chính sách.

Thực ra, theo cách của Bộ Công Thương thì các hộ dân có làm điện mặt trời mái nhà cũng được lợi phần nào. Cụ thể là, vào những ngày thiếu nắng (hoặc mưa), họ sẽ được lưới điện quốc gia "ứng cứu"; còn vào thời gian thừa nắng, điện mặt trời dư đến mấy thì cũng phải chịu hòa lưới miễn phí.

Nhưng rõ ràng cơ chế này không khuyến khích được người dân đầu tư cho năng lượng sạch. Những hộ đã "lỡ" thì có thể sẽ chấp nhận cơ chế của Bộ Công Thương, còn từ nay về sau sẽ chẳng mấy người mặn mà sản xuất năng lượng tái tạo. Chi phí đầu tư đâu có rẻ, và còn phải bảo trì, sửa chữa, thay mới…

Tóm lại, chính sách nào cũng cần bám sát thực tiễn, ban hành để giải quyết nhu cầu thực tế và đặc biệt phải hài hòa lợi ích giữa các bên. Không bảo đảm những yếu tố này thì chính sách đó sẽ không đi vào cuộc sống; nếu có, cũng sẽ bị "khai tử" sớm. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo