Vừa qua, Báo Người Lao Động có đăng bài "Đau đầu với xe bị phạt nguội". Theo đó, từ khi việc lắp đặt camera phạt nguội vi phạm luật giao thông trở nên phổ biến trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, rất nhiều chủ phương tiện vi phạm lỗi nhưng không biết. Đáng nói là có khi tiền phạt cộng dồn đến hàng trăm triệu đồng.
Phạt nguội là cách làm văn minh, tiên tiến mà nhiều nước đã thực hiện, tạo cảm giác khi lưu thông luôn có sự giám sát, dẫn đến hạn chế vi phạm.
Tuy nhiên, cũng nổi lên vấn đề người không vi phạm lãnh đủ từ tiền phạt cho đến mọi rắc rối. Điều này rất vô lý và hệ lụy này không phải bây giờ mới có, nó đã phát sinh từ khi bắt đầu phạt nguội, báo chí cũng đã nhiều lần lên tiếng.
Để tháo gỡ, cần có quy định thời gian thông tin cho chủ có phương tiện vi phạm, chậm nhất là 3 ngày. Đây là việc hoàn toàn có thể làm được khi công nghệ thông tin đã đi vào tất cả các lĩnh vực. Tất nhiên, ban đầu có thể khó nhưng sẽ thuận lợi cho người dân, nhất là doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Vậy chọn cách nào, dễ nhà nước, khó người dân hay ngược lại? Trước đây Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có ý kiến rất xác đáng: Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà thiếu đồng hành với người dân, doanh nghiệp. Cần lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm…
Vì vậy, cần sớm có giải pháp và xem đây là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền để tìm ra người vi phạm trên nguyên tắc đúng người, đúng tội, thấu tình đạt lý, tránh oan sai, người vi phạm tâm phục khẩu phục. Không thể chọn cách đơn giản, dễ dàng là "nắm người có tóc" (chủ phương tiện).
Ngoài ra, nên yêu cầu mỗi phương tiện có một tài khoản ứng với số tiền nào đó để khi vi phạm, chỉ cần trừ tiền, sẽ thuận lợi cho tất cả các bên. Hạn chế việc giam giữ phương tiện, giấy phép lái xe vì sẽ phát sinh những hệ lụy.
Bình luận (0)