Ngày 26-12, tại TP HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Hội nghị có sự tham dự của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương;
Toàn cảnh hội nghị 26-12
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết về báo in, cả nước có 849 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 185 báo trung ương, 99 địa phương; 664 tạp chí, trung ương có 530, địa phương 134.
Về báo điện tử, hiện cả nước có 195 cơ quan báo chí điện tử được cấp phép, trong đó, 171 cơ quan báo, đài, tạp chí thực hiện loại hình báo chí điện tử. Hiện có 178 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình để khai thác thế mạnh của loại hình thông tin hiện đại này, đáp ứng nhu cầu thông tin trong tình hình mới, nhất là khi thông tin trên mạng xã hội ngày càng có nhiều ảnh hưởng đến xã hội.
Về phát thanh, truyền hình, cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình, với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 281 kênh. Năm 2017, cả nước có 33 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với khoảng hơn 13 triệu thuê bao (tăng gần 1 triệu thuê bao so với năm 2016) và tổng doanh thu năm 2017 ước đạt khoảng gần 8.000 tỉ đồng.
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị
Ông Hoàng Vĩnh Bảo cũng cho biết sự ra đời và phổ cập mạng internet đến nay đã và đang tạo thành cuộc cách mạng thông tin thật sự.
Trong các loại hình trên internet, mạng xã hội đã và đang phát triển một cách nhanh chóng, hiệu quả, được nhiều người sử dụng internet ưa dùng, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại.
Vì vậy, ở khía cạnh nhất định, mạng xã hội đã có một số ảnh hưởng tích cực như thông tin nhanh, phong phú, đa dạng, đa chiều. Mạng xã hội là nguồn cung cấp thông tin cho báo chí. Mạng xã hội cũng là kênh quảng bá hữu hiệu cho báo chí…
Tuy nhiên, ông Hoàng Vĩnh Bảo cũng cho rằng mạng xã hội cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực. Nổi bật là nguy cơ chi phối, lấn át về thông tin; báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội "vượt mặt" trong việc cung cấp thông tin đến độc giả.
Nguy cơ phụ thuộc và mạng xã hội dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo: thông tin trên mạng xã hội mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, động cơ, mục đích không rõ ràng, thậm chí là với mục đích xuyên tạc, lừa đảo, tung tin giả để để lôi kéo sự chú ý. Cơ quan báo chí không kiểm chứng thông tin sẽ dẫn đến thông tin sai sự thật, có thể gây tác động xấu đến dư luận xã hội hoặc ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo. Nguy cơ phụ thuộc hoàn toàn vào mạng xã hội để tăng lượng truy cập.
Vấn đề kinh tế báo chí cũng được ông Hoàng Vĩnh Bảo đề cập như nguồn thu quảng cáo giảm. Dẫn chứng, ông Bảo cho biết hiện nay thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam chịu sự chi phối ngày càng mạnh của google và facebook. Google và facebook chiếm đến khoảng 66% thị phần quảng cáo trực tuyến trong nước. Các mạng lưới quảng cáo trực tuyến (Ad Network) chiếm 27% thị phần, trong khi các trang web trong nước (gồm báo điện tử, các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội) chỉ chiếm 7% thị phần.
Điều này, dẫn đến nguy cơ các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo hình và báo điện tử không thu hút được quảng cáo, không tự chủ được chi phí hoạt động, dẫn đến những biến tướng về tôn chỉ, mục đích, ảnh hưởng tới chất lượng nội dung. Chi phí hoạt động báo chí tăng, vai trò của nhà nước trong điều tiết kinh tế báo chí còn yếu…
Bình luận (0)