Tại Hội thảo quốc tế về Nâng cao năng lực của Việt Nam trong hoạt động Gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quốc (LHQ) do Bộ Quốc phòng Việt Nam và Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tổ chức ngày 23-11 tại Hà Nội, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam kiêm Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam đã đóng góp ngày càng nhiều cho việc gìn giữ hoà bình (GGHB) trên toàn cầu.
Các quân nhân gìn giữ hòa bình thuộc bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại lễ xuất quân 1-10-2018
UNDP cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực tham gia GGHB LHQ; hỗ trợ huy động và phối hợp nguồn lực của các đối tác phát triển quốc tế và quốc gia; tư vấn chiến lược dài hạn cho Việt Nam về GGHB LHQ, bao gồm phát triển Trung tâm đào tạo GGHB Việt Nam để trở thành một trung tâm có tầm khu vực.
Ông bày tỏ sự vui mừng khi biết ngành cảnh sát đang có những bước khởi đầu trong việc cam kết và chuẩn bị lực lượng của họ cho hoạt động GGHB LHQ.
Chào mừng sự hiện diện của đại diện của Cảnh sát LHQ tại hội thảo, ông cho biết trong những ngày tới, lực lượng Cảnh sát LHQ sẽ có các cuộc họp song phương với Bộ Công an để thảo luận thêm về tiềm năng và sự chuẩn bị của Việt Nam trong việc gửi cảnh sát tham gia lực lượng GGHB.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam kiêm Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, phát biểu
Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam, cho biết thời gian qua Việt Nam đã triển khai và dần mở rộng lực lượng tham gia hoạt động GGHB của LHQ. Trên cơ sở kết quả triển khai giai đoạn 2014 - 2020, sẽ điều chỉnh, mở rộng hình thức tham gia từ năm 2020. Việt Nam sẽ đánh giá cụ thể về nhu cầu, năng lực quốc gia, từ đó sẽ xem xét khả năng, cách thức tham gia sâu rộng hơn vào lực lượng GGHB LHQ, cả về số lượng và hình thức (cảnh sát, quân cảnh, lực lượng dân sự, các hình thức đơn vị khác…)
Đại tá Phụng cho biết định hướng tham gia của Việt Nam thời gian tới gồm: Triển khai thành công đội công binh tới phái bộ LHQ phù hợp trong năm 2020; tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động GGHB LHQ, triển khai thêm cá nhân và đơn vị; đa dạng hoá các hình thức tham gia, mở rộng số lượng địa bàn triển khai lực lượng; ưu tiên xây dựng năng lực dài hạn, bền vững, có đủ khả năng tổ chức độc lập các khoá huấn luyện GGHB LHQ cho cả Việt Nam và quốc tế.
"Việt Nam xác định rõ, việc xây dựng năng lực cho lực lượng GGHB LHQ cần được dựa trên cơ sở nguồn lực quốc gia, kết hợp tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các đối tác quốc tế"- Đại tá Phụng khẳng định.
Ông nhấn mạnh thời gian tới, bên cạnh xây dựng năng lực cho đội công binh; năng lực huấn luyện và tự huấn luyện, cần ưu tiên xây dựng, củng cố nguồn nhân lực bền vững tham gia hoạt động GGHB LHQ, đáp ứng được đòi hỏi bổ sung, xoay vòng lực lượng và các yêu cầu của LHQ, gồm: Năng lực tạo nguồn nhân sự thông qua mở rộng sự tham gia của các lực lượng Việt Nam trong hoạt động GGHB LHQ, từ lực lượng quân đội đến lực lượng công an, dân sự… bảo đảm khả năng mở rộng các hình thức tham gia phù hợp với nguồn lực quốc gia, tính toán đến tham gia thêm các hình thức đơn vị mới như cảnh sát, quân cảnh, dân sự, vận tải đường không… từ sau năm 2020.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, khẳng định việc Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình là quyết tâm chính trị bền vững, lâu dài của Đảng, Nhà nước, quân đội Việt Nam, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế và nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, hiểu về chiến tranh và giá trị của hòa bình. Tham gia gìn giữ hòa bình LHQ là thực hiện mục tiêu đóng góp cho hòa bình thế giới của Việt Nam; đồng thời góp phần củng cố hòa bình, ổn định trên đất nước mình.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, việc triển khai lực lượng GGHB LHQ tại các Phái bộ của Việt Nam bước đầu đã đi vào ổn định, song lĩnh vực này đối với Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. Do đó, Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ về đào tạo trang bị, huấn luyện, phương tiện vận chuyển… từ các quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc , Canada , Anh, Pháp… và nhiều quốc gia khác. Đánh giá cao sự giúp đỡ của các quốc gia đối với Việt Nam trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình thời gian qua, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm sẵn có đối với các nước ASEAN để tạo nên sự hợp tác thực chất, hiệu quả.
Bắt đầu từ chỗ chỉ 2 sĩ quan vào năm 2014, đến nay Việt Nam đã triển khai được 29 lượt sĩ quan tham gia hoạt động tại 2 phái bộ GGHB, trong đó có 1 sĩ quan nữ, tất cả đều được LHQ đánh giá cao, đáp ứng tốt các yêu cầu công việc tại các phái bộ. Về hình thức đơn vị, tháng 10-2018, Việt Nam đã lần đầu tiên triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Bentiu , Nam Sudan , tiếp quản vị trí Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Anh để lại, bước đầu nhận được phản hồi tích cực từ phái bộ.
Đại tá Phụng cho biết việc củng cố cơ sở pháp lý và năng lực thể chế tham gia GGHB LHQ đang được tiến hành, đồng thời bước đầu xây dựng năng lực, nguồn lực Việt Nam về trang bị, vật chất, năng lực con người, năng lực huấn luyện… nhằm hình thành, xây dựng nguồn nhân lực kế cận có chiều sâu, đủ khả năng và trình độ chuyên môn tham gia hoạt động GGHB trong tương lai.
Bình luận (0)