Sáng nay 2-10, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sắp diễn ra, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM đã tiếp xúc cử tri doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố qua hình thức trực tuyến.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và một số ĐBQH đã tiếp xúc cử tri DN từ đầu cầu Hà Nội.
Đại diện các DN và hiệp hội ngành nghề tại buổi tiếp xúc - Ảnh: Thế Dũng
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM Chu Tiến Dũng cho biết làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 4 ở Việt Nam đã đẩy các DN hầu hết các ngành nghề, các lĩnh vực rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa, ngừng kinh doanh trong thời gian từ ngày 9-7 đến nay, chỉ một tỷ lệ khoảng chưa đến 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến.
Khách hàng tụt giảm, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, dòng tiền bị thu hẹp đáng kể, thậm chí không đủ trả nợ tiền vay và lãi tiền vay đến hạn, chuỗi cung ứng trong nước và nước ngoài bị đứt gãy nghiêm trọng. Cùng với đó là tác động của phí vận chuyển trong hoạt động logistic làm điêu đứng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Giá phí vận chuyển container tăng 4-5 lần so với trước Covid-19 làm tăng giá sản phẩm Việt Nam bán ở nước ngoài, giảm sức cạnh tranh.
Hoạt động ngành logistic còn gây tác động lớn cho các ngành nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, kể cả ngành xây dựng-bất động sản. Hầu hết các sản phẩm, nguyên liệu phục vụ cho xây dựng đều tăng giá (đặc biệt là giá thép xây dựng) làm cho các đơn vị khó thực hiện cam kết giá thầu như hợp đồng đã ký, dẫn đến tình trạng chậm trễ giao hàng do phải đàm phán lại, hoặc thậm chí hủy hợp đồng, chịu phạt vi phạm... Điều này góp phần làm cho hoạt động kinh doanh bất động sản trầm lắng thời gian qua và thực tế là có rất ít sản phẩm mới được đưa ra thị trường.
Khảo sát từ các doanh nghệp cho thấy: Tỷ lệ DN "tạm ngừng hoạt động do dịch" chỉ còn dòng tiền giúp DN duy trì hoạt động "ít hơn 1 tháng" chiếm gần 40% và 17,7% ở các DN đang "duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh". Tỷ lệ DN có dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng là đều quanh mức 46%.
Kết quả khó khăn của DN như trên làm cho số lượng DN giải thể, đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh cao hơn nhiều so mới số DN thành lập mới. Các DN giải thể, ngừng hoạt động hầu hết là DN nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực vận tải, du lịch, hoặc không thuộc ngành thiết yếu theo quy định.
Theo báo cáo thống kê, tính từ đầu năm đến tháng 8-2021, TP HCM có 24.000 DN rời khỏi thị trường, chiếm 28,1% và tăng 6,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên con số thực tế còn cao hơn nhiều vì một số lớn các DN chưa khai báo.
Trước thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM kiến nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) cần có biện pháp chỉ đạo để ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay và kéo dãn thời gian trả nợ vốn, lãi vay tương ứng với thời gian cơ cấu lại các khoản nợ. Đồng thời cho phép mở rộng "room" cho vay đối với các doanh nghiệp để có vốn phục hồi sản xuất.
Vấn đề đáp ứng yêu cầu về hồ sơ, thủ tục nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/2021 vẫn còn khó khăn với hầu hết DN, người dân. Hiệp hội đề xuất chính quyền rà soát lại toàn bộ các thủ tục, đảm bảo an toàn tránh tránh trục lợi chính sách nhưng phải đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp. Đề nghị cơ quan thuế hướng dẫn Nghị định 126/2020 để tạo thuận lợi cho DN và không bất lợi hơn so với qui định trước đây.
Để giúp giảm giá thành sản xuất, đề nghị Chính phủ chỉ đạo giảm thu phí giao thông đường bộ ít nhất 50% hoặc miễn thu trong thời gian 2 năm để giúp DN giảm các chi phí vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu. Với gói hỗ trợ tiền điện, nên mở rộng đối tượng và giảm mạnh hơn cho người dân và DN. Với gói hỗ trợ viễn thông, nên thiết thực hơn để nhiều người có thể tiếp cận và được hưởng, chẳng hạn nên giảm giá cước 20-30% trong 3 tháng, thay vì cách hỗ trợ bằng nâng cấp hạ tầng, khuyến mại cho một số đối tượng như hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Công ty Du lịch Vietravel, cho biết du lịch được Đảng, Nhà nước xác định là 1 trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng trong đại dịch thì ngành du lịch tổn thất nặng nề nhất. Hàng trăm ngàn DN, cơ sở dịch vụ lưu trú đóng cửa, 5,8 triệu lao động đang làm trong hệ thống này mất việc hàng loạt.
"Song chính sách hỗ trợ ban hành thời gian qua chưa hỗ trợ được cho ngành du lịch, mà để phục hồi, DN du lịch rất cần nguồn lực tài chính. Các chính sách hỗ trợ về thuế như thuế VAT sẽ không đến được chúng tôi vì toàn bộ ngành du lịch và hàng không bị mất doanh thu từ tháng 5, 6 do phải dừng hoạt động nên không có doanh thu để được giảm VAT"- ông Kỳ nói.
Trong khi đó, chính sách hỗ trợ về lãi suất, giãn hoãn thuế, DN du lịch phải thế chấp tài sản, vay hết "room" tín dụng, nên không còn để vay vốn ngân hàng nữa. Lần này khi quay trở lại khôi phục hoạt động, về vấn đề vốn, các ngân hàng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Thực tế, các DN du lịch không còn tài sản đảm bảo, không có doanh thu, lợi nhuận. Nên theo tiêu chí của tổ chức tín dụng thì DN ngành du lịch không thể tiếp cận được tín dụng.
"Nhà nước nên tăng cung tiền để các tổ chức tín dụng cho vay. Điều này rất quan trọng vì nó như là ôxy. Nếu thiếu ôxy này thì DN sẽ chết. Việc "bơm" tiền, Chính phủ cũng không phải lo lạm phát như năm 2008 - 2012 vì giai đoạn hiện nay khác hoàn toàn, lạm phát khoảng 3%, đồng tiền Việt Nam đang mạnh lên. Chính phủ nên coi DN là đối tác, tránh coi là đối tượng"- Chủ tịch Công ty Du lịch Vietravel mong mỏi.
Ông Kỳ kiến nghị Quốc hội cần tính toán điều chỉnh giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% sau 3 năm, như năm 2008. VAT là thuế người tiêu dùng phải nộp, DN chỉ thu hộ và nộp lại cho nhà nước, nếu thuế VAT giảm một nửa thì sản phẩm du lịch sẽ được tiếp cận nhanh hơn.
Cũng theo ông Kỳ, điều lo lắng của DN sau đợt dịch này có xảy ra đợt dịch khác nữa không. Vì thế để tránh như đợt dịch vừa rồi, nơi đóng, nơi mở, Chính phủ cần xây dựng bảng cấp độ dịch bệnh quốc gia. Với bảng cấp độ này, tỉnh nào thuộc cấp nào thì có những biện pháp tương ứng để DN người dân thực thi, tránh có những đứt đoạn như thời gian qua.
Đồng tình với ông Kỳ, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, đề xuất Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 khẩn trương ban hành sớm Hướng dẫn tạm thời "Thích ứng, linh hoạt với Covid" thay thế Chỉ thị 15, 16, Quyết định 2686/2021 về quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình đặc thù của TP HCM để DN nhanh chóng sớm có thể sản xuất và phục hồi sản xuất.
Theo bà Chi, hầu hết các nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành lương thực, thực phẩm đều đến từ các tỉnh thành khu vực phía Nam. Do đó, đề nghị Chính phủ cần ưu tiên tiêm phủ diện rộng cho các đối tượng ưu tiên tham gia trong chuỗi cung ứng tại các khu vực này để trước mắt giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa được ổn định, DN mở cửa sản xuất, kinh doanh an toàn.
"Từ khi dịch bùng phát đến nay, DN đang gồng mình gánh chi phí xét nghiệm, với giá kit test rất cao và chênh lệch nhau lớn giữa các địa phương (PCR hơn 1 triệu đồng/lần; test nhanh là 150-280.000/test). Do đó, kiến nghị cho các tổ chức y tế được phép bán kit test theo giá cạnh tranh. Đưa mặt hàng này vào danh mục kiểm soát mặt hàng cần bình ổn giá hoặc được Nhà nước trợ giá theo Luật giá"- bà Chi đề xuất.
Một vấn đề nan giải khác, theo bà Chi, là các quy định không thống nhất giữa các tỉnh, thành trong việc áp dụng các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch gây rất nhiều khó khăn cho DN, nhất là ở hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nguyên phụ liệu sản xuất.
"Do đó, rất mong Chính phủ quán triệt tất cả các tỉnh, thành, nhất là các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam triển khai nhất quán các quy định từ Trung ương, không được tự ý quy định trái quy định chung"- bà Chi nói.
Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng Phúc Kháng, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, kiến nghị, đẩy mạnh các chính sách phi kinh tế không gây áp lực về phía Nhà nước, như cải cách thủ tục hành chính giúp DN giải quyết công việc nhanh chóng sẽ làm giảm chi phí đầu tư, sản xuất. Đặc biệt, Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho DN chủ động kiểm soát dịch tại DN, giúp DN vừa giảm bớt chi phí sử dụng cho phòng chống dịch, vừa có thể chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu
Trao đổi lại với kiến nghị của DN TP HCM, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết sắp tới, NHNN sẽ đồng hành mức cao nhất với DN, đặc biệt là khu vực TP HCM.
"Theo đó, sẽ tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản nợ đến 30-6-2022. Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh để phù hợp với mức độ dịch và khó khăn của DN. Vấn đề hạ lãi suất tiếp tục đặt ra"- ông Tú cho hay.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị mở dần các đường bay thương mại
Sau khi lắng nghe đại diện các DN phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định DN đóng vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Chủ tịch nước đề nghị Đoàn ĐBQH TP HCM cần tổng hợp đầy đủ các ý kiến để gửi Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy và UBND TP.
Chủ tịch nước đánh giá khách quan vừa qua TP HCM, Chính phủ, các bộ ngành đã có chính sách hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn. Tất nhiên quy mô và tính kịp thời trong hỗ trợ còn có vấn đề. Nhưng bước đầu, các cơ quan và TP HCM có gói hỗ trợ sát với DN là điều rất đáng trân trọng.
Đi vào vấn đề cụ thể, Chủ tịch nước cho rằng điều quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là giữ lạm phát ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế phải được đảm bảo để phát triển bền vững đất nước. Các cân đối phải giữ vững trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vấn đề nợ công, lạm phát, bội chi ngân sách nên phải tính toán rất chặt chẽ.
Cùng với đó là phải đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Thời gian qua khi người dân di chuyển về quê rất rầm rộ, căng thẳng.
"Tôi đề nghị các cấp đặc biệt là TPHCM, công an, quân đội và các lực lượng chức năng quan tâm đến người dân, tạo điều kiện cho người dân nhưng đảm bảo an ninh trật tự. Trẻ con thiếu sữa, đói bụng được các cấp chính quyền quan tâm. Phương tiện di chuyển được tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân đi về. Tôi cũng đánh giá cao TP HCM đã ra lời kêu gọi, tạo điều kiện cho bà con ở lại, tiếp tục lao động sản xuất khi dịch được khống chế"- Chủ tịch nước nói.
Trước nhiều đề nghị của DN liên quan đến chính sách tài khóa, Chủ tịch nước đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tăng cường phân cấp cho TP HCM thực hiện các chính sách tài khóa để hỗ trợ cho DN trong khả năng cân đối ngân sách của TP HCM. Ví dụ chính sách giảm 30% tiền thuê đất trong thời gian qua được áp dụng chung cho cả nước thay vì có thể phân cấp cho TP HCM tự quyết trong khoảng 30-50% tùy theo khả năng ngân sách và điều kiện của thành phố.
Người đứng đầu Nhà nước cũng đề nghị tăng quy mô gói kích thích kinh tế. Qua phát biểu của các DN, ông đánh giá gói kích thích kinh tế ở Việt Nam còn nhỏ, tiếp cận còn nhiều vấn đề.
Thực tế, Việt Nam chi gói kích thích kinh tế là 1,7% GDP, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Philippines là 2,7%, Trung Quốc là 4,8%.
Đây là vấn đề sẽ được Chính phủ lắng nghe để tính toán lại gói kích thích kinh tế. Việt Nam không thể chi cao như một số nước nhưng có thể tăng gói này lên. Cần xem xét việc phát hành trái phiếu Chính phủ để tài trợ cho phát triển với nhu cầu tốc độ nhanh, độ chính xác, thuận lợi. Đây là vấn đề lớn mà Bộ Tài chính nghiên cứu sớm báo cáo Chính phủ, cần thiết báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới.
Nhiều ý kiến đề xuất chính sách miễn giảm thuế đến năm 2022, Chủ tịch nước đề nghị Bộ Tài chính lắng nghe và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ hợp tới.
Về chính sách tiền tệ giảm lãi suất cho DN dù kịp thời, nhưng Chủ tịch nước yêu cầu ngành ngân hàng chia sẻ hơn nữa với những khó khăn của DN, đặc biệt tiếp tục chủ động giảm lãi suất cho vay.
"Khi tôi làm Thủ tướng, tôi đã nói lúc khó khăn như thế này, không đặt vấn đề lợi nhuận của ngân hàng lên trên mà phải chia sẻ một phần lợi nhuận cho hoạt động sản suất kinh doanh. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, cần thiết trong lức này. Đúng là lo ngại nợ xấu là có nhưng cần chấp nhận nợ xấu tăng ở mức độ nào để chia sẻ khó khăn với DN"- Chủ tịch nước nói.
Để "thích ứng an toàn với Covid-19" ở phạm vị quốc gia và phạm vi thành phố, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần có những biện pháp cụ thể hóa chiến lược này. Theo đó, cần tạo thuận lợi cho sự di chuyển hàng hóa, con người, từng bước khôi phục lại sản xuất.
"Mở dần các đường bay thương mại, tạo điều kiện cho những người tiêm 2 mũi vắc-xin, có xét nghiệm âm tính di chuyển trên các loại hình phương tiện vận tải, có giám sát y tế an toàn. Không áp dụng giãn cách xã hội quá dài, phạm vi qúa rộng khi dịch bệnh dần được cải thiện"- Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch nước, nhiều nước triển khai rất hiệu quả hộ chiếu vắc-xin địa phương để phục hồi kinh tế và Việt Nam cần phải tham khảo. Đồng thời, các địa phương phải thống nhất chủ trương đảm bảo lưu thông hàng hóa, không chia cắt, không cát cứ.
Chủ tịch nước cho rằng, muốn chống dịch thành công, ngoài các biện pháp đã làm thì biện pháp quan trọng là ưu tiên cao nhất vắc-xin cho người lao động để giúp DN nối lại các hoạt động sớm nhất có thể. Vì vậy, cần cố gắng có thêm vắc-xin cho các vùng kinh tế trọng điểm trong đó có TP HCM.
Bộ Y tế và Chính phủ nên trao quyền tự chủ cho DN trong việc xét nghiệm và quản lý dịch chuyển lao động. Chính quyền hậu kiểm và chế tài thật nghiêm nếu phát hiện vi phạm. Cần hết sức quan tâm đến việc dòng người ồ ạt từ TP HCM về các tỉnh, không chỉ đe dọa dịch bùng phát trở lại mà còn làm đứt gãy chuỗi lao động. Kéo lao dộng trở lại không phải là dễ dàng.
"Tôi yêu cầu TP HCM phối hợp tốt với các địa phương, hỗ trợ người lao động, DN bảo đảm nguồn cung lao động khi mở cửa lại nền kinh tế. Muốn sản xuất trở lại bình thường, ngay lúc này đây, TP HCM phải đảm bảo hỗ trợ để giữ chân người lao động. Đây là vấn đề nóng bỏng, ngay trước mắt"- Chủ tịch nước lưu ý.
Một bộ phận người lao động bị sang chấn tâm lý
Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM Chu Tiến Dũng cho biết qua số liệu khảo sát, có tới khoảng gần 30% lao động bị mất việc làm; trong đó ngành da giày giảm rất sâu ở mức 62%; ngành dệt may giảm 42,6%; ngành dịch vụ lưu trú (khách sạn) giảm 37%; ngành dịch vụ ăn uống giảm 38%.
Người lao động gặp khó khăn do mất việc, không có thu nhập tăng cao áp lực lên công tác an sinh xã hội của thành phố. Số người lao động phải dời thành phố về quê để phòng chống dịch và nương nhờ gia đình ước tính vài trăm ngàn người. Một bộ phận người lao động do bị tác động của đại dịch có tâm lý hoảng loạn, sang chấn tâm lý, không muốn quay lại DN làm việc, hoặc về tỉnh rồi thì không muốn quay lại thành phố tiếp tục làm việc. Đây sẽ là khó khăn lớn khi DN phục hồi sản xuất trở lại, có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ phục hồi kinh tế thành phố trong thời gian tới.
Bình luận (0)