Tại buổi họp tổ về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 21-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM) cho rằng tất cả những sự việc diễn ra với đất nước thời gian qua, kể cả dịch bệnh, thiên tai, quản trị đất nước 100 triệu dân phải nói là vấn đề rất khó khăn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp tổ Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM sáng 21-10
Theo Chủ tịch nước, nếu chúng ta biết cách làm việc tốt, cầu thị, lo cho dân thì chúng ta sẽ tiến bộ để phục vụ tốt cho nhân dân. Nhân dân trao cho chúng ta cái quyền rất lớn nhưng đồng thời cũng yêu cầu chúng ta rất lớn. Vì vậy, chúng ta phải biết rút kinh nghiệm tất cả những việc ta đã làm để thời gian tới làm tốt hơn. "Mong Chính phủ, các ngành phát huy truyền thống từ năm 1945 đến nay; các bộ trưởng nêu cao trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ"- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Về dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ chúng ta đã trải qua 4 đợt địch. Có sự cố gắng rất lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đặc biệt ngành y tế, quân đội, công an ở tuyến đầu, trong đó ngành y tế xông pha trận mạc nhiều nhất, vất vả nhất. "Tôi đã đề nghị sơ, tổng kết khen thưởng công trạng lực lượng tuyến đầu, nhân rộng những tấm gương anh hùng đối với những người có công thật lớn trong phòng, chống dịch bệnh cũng như làm thiện nguyện giúp đỡ nhân dân"- Chủ tịch nước nói.
Thứ hai, về dịch bệnh, như Bộ trưởng Y tế nói, không thể có zero Covid-19 mà phải thích ứng với điều kiện tiên quyết là vắc-xin và 5K. Tuyệt đối không được chủ quan, đơn giản hóa mà phải đề cao cảnh giác để có giải pháp ứng phó kịp thời.
"Chúng ta không thể đóng cửa mãi đất nước. Các nước họ đều mở cửa, mình cũng vậy để giải quyết việc làm, thu nhập, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, nhưng bên cạnh đó đề cao cảnh giác vì Covid-19 vẫn đang đe dọa nước ta. Đây là trách nhiệm rất nặng nề của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó trách nhiệm của ngành y tế rất lớn"- Chủ tịch nước lưu ý.
Theo Chủ tịch nước, chưa bao giờ có hàng vạn người, nhân viên y tế tham gia vào phục vụ công tác chống dịch Covid-19 như vừa qua.
Trong báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ nêu rất rõ có những khó khăn vì tăng trưởng thấp, hụt thu ngân sách trung ương. Chúng ta xuất một số quỹ để phục vụ công tác phòng, chống dịch, an sinh xã hội.
"Tấm lòng của người dân, doanh nghiệp, công trạng của nhân dân vô cùng lớn, chúng ta phải biểu dương, trân trọng, dựa vào sức dân, dựa vào xã hội hóa để hỗ trợ cho công tác khám chữa bệnh"- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
Ông phân tích vừa qua mới mở cửa từng bước, không khí làm ăn của các doanh nghiệp trên cả nước rất tốt. Bên cạnh nhiều tấm gương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… có một số địa phương vươn lên mạnh mẽ như các tỉnh Đông Nam Bộ, trong đó có TP HCM.
TP HCM có chương trình tái thiết kinh tế hết sức quyết liệt nên bước đầu nhiều người lao động đã quay lại làm việc. Niềm tin vào đất nước phát triển sau đại dịch cùng với sống chung với đại dịch với điều kiện cụ thể là vắc-xin và 5K. "Niềm tin vào một nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất đáng mừng, mà nền tảng, động lực phát triển của nó là có cơ sở"- Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước nêu rõ: Chúng ta có hàng ngàn nhà máy công nghệ cao, công nghiệp chế biến, không khí trở lại làm ăn của Việt Nam rất tốt, người Việt Nam năng động sáng tạo, quyết liệt. Chúng ta đảm bảo được năng lượng, đặc biệt sản xuất xuất khẩu, đảm bảo nông nghiệp, đẩy mạnh khắc phục những bất cập, yếu kém trong đầu tư công.
"Tôi tin nền kinh tế Việt Nam trở lại phong độ mới, đạt mục tiêu Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. Đặc biệt năm 2022, chúng ta có thể phấn đấu tăng trưởng 6,5% GDP. Với không khí sản xuất lao động, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng những trào lưu vốn các nước đổ về Việt Nam, tôi tin nhất định kế hoạch năm 2022 sẽ hoàn thành tốt!"- Chủ tịch nước nói.
Về cải cách tiền lương cho công chức, viên chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chúng ta tính biên độ nâng lương từ năm 2020 nhưng chậm lại. Đáng lẽ năm 2021 tăng lương một bước, tuy nhiên, do chúng ta vừa qua dịch bệnh lớn quá, đặc biệt là TP HCM và một số tỉnh, thành nên đã dành để chi cho công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, dân đang khó khăn, nhất là công nhân, nông dân, lượng người thiếu việc làm rất lớn. Vì vậy đề nghị chưa nâng lương cho công chức, viên chức
Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, phải có chính sách hỗ trợ, nâng lương 1 bước cho những người về hưu trước 1995 vì số người này lương quá thấp. Bên cạnh đó, phải tiếp tục sản xuất kinh doanh, dành dụm nguồn lực tốt hơn để tính toán những năm sau báo cáo Quốc hội để tiếp tục cải cách tiền lương, nâng lương để động viên đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở chúng ta có nguồn thu, giảm biên chế. "Chứ chúng ta không thể đi vay tăng lương được đâu"- Chủ tịch nước nói.
Bình luận (0)