Sáng nay 23-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ trình bày.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VPQH
Mở đầu phần báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tính đến sáng nay số người nhiễm bệnh đã là 336.000 người, 14.600 người tử vong, 192 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo Phó Thủ tướng, mặc dù đánh giá Việt Nam có năng lực chống dịch bệnh tốt hơn nhiều nước đang phát triển, tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO- hiện WHO và CDC Mỹ có 120 chuyên gia làm việc tại Việt Nam thường xuyên phối họp chặt chẽ với y tế Việt Nam) cũng thống nhất nhận định của Bộ Y tế là Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Sau 22 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới, ngày 6-3-2020 Việt Nam phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên từ châu Âu, bắt đầu bước sang một giai đoạn mới (dịch thâm nhập từ nhiều hướng và có thể tiềm ẩn trong cộng đông).
"Tình huống xấu nhất, chúng tôi dự tính tới 30.000 trường hợp bị nhiễm. Chúng ta vào cuộc sớm, chủ động và đưa ra giải pháp sớm hơn, cao hơn so với khuyến nghị của WHO và các nước"- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Đức Đam, bước sang giai đoạn 2 (khi dịch bắt đầu lan sang châu Âu với tâm điểm là vùng Lombardy của Ý), các chuyên gia cũng đưa ra dự báo dù Việt Nam đã có kinh nghiệm ở giai đoạn trước, nhưng vẫn sẽ có hàng nghìn người mắc bệnh.
Phó Thủ tướng phân tích kể từ khi dịch bùng phát ở châu Âu, Mỹ, tới nay đã có hàng trăm chuyến bay, hàng chục nghìn người nhập cảnh từ các quốc gia, khu vực có dịch. Những người nhập cảnh này đã đi qua nhiều địa phương, tiếp xúc với hàng trăm nghìn người Việt Nam nên mỗi khi phát hiện 1 ca nhiễm bệnh, việc truy vết để tìm ra những người có nguy cơ lây nhiễm hết sức khó khăn vất vả.
Đến sáng nay đã có 113 ca nhiễm, 17 ca khỏi, 10 ca âm tính 1 lần 2 lần, 4 ca nặng. Điều đáng nói những ngày gần đây 39 ca thì đều là cách ly ngay từ khi nhập cảnh.
"Tới đây sẽ còn nhiều. Có ngày có thể có vài chục ca nhưng những ca đó nếu ở ngay khu cách ly tập trung rồi thì không đáng lo lắm. Nhưng nếu ca ở trong cộng đồng thì đó mới là điều đáng lo. Chính phủ đã xây dựng 5 kịch bản đối phó từng tình huống cụ thể"- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ.
Theo Phó thủ tướng, tình hình hiện nay có nhiều điểm mới, khác so với giai đoạn ban đầu cần được lưu ý để có giải pháp cụ thể phù hợp.
Cụ thể, kể từ ngày 20-3 khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã từng bước thực hiện cơ bản kiểm soát chặt chẽ thị thực, quy định cách ly đối với người nhập cảnh từ tất cả các nước, việc kiểm soát bệnh thâm nhập từ bên ngoài bớt khó khăn hơn...
Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay đã có trên 350.000 người nhập cảnh vào Việt Nam (gần 100.000 từ Mỹ và châu Âu). Mặt khác, tới đây vẫn sẽ còn một lượng đáng kể người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ và phục vụ các yêu cầu từ phía Việt Nam (như các chuyên gia, cán bộ quản lý dự án, doanh nghiệp). Do đó, cần có hình thức, quy định cách ly phù hợp đảm bảo không lây nhiễm.
Bên cạnh đó, do dịch bệnh đã xâm nhập vào bên trong, nên việc phát hiện, cách ly các trường hợp nghi nhiễm còn rất khó khăn, nhất là trong trường hợp không thể truy ra nguồn lây trực tiếp (người nhiễm bệnh chưa đi ra nước ngoài, không biết mình có tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh hay không).
Ngoài ra, do trong nước kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 thì sẽ có rất nhiều người Việt Nam muốn về nước. Trong số đó, không ít người có thể đã nhiễm bệnh. Nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây quá tải các cơ sở cách ly và năng lực điều trị.
Từ đó, Phó Thủ tướng cho rằng thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực xét nghiệm, huy động sự tham gia của người dân để rút ngắn thời gian cần thiết để phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, trong khu cách ly và trong cộng đồng.
Hiện Việt Nam đang tích cực tăng cường năng lực xét nghiệm, trong đó có việc nhập thiết bị xét nghiệm nhanh của Hàn Quốc.
"Hiện nay, chúng tôi đang cấp tập ngày đêm nhập về. Hy vọng một vài ngày nữa có thể thử trên diện rộng"- Phó Thủ tướng nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự cảm ơn đến đội ngũ y bác sỹ...
Sau báo cáo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết ngay từ khi phát hiện ca đầu tiên, Ban Bí thư đã chỉ đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống dịch bệnh.
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh kết quả phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ trong thời gian qua.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc Chính phủ đã đưa ra câu "chống dịch như chống giặc" cho thấy chúng ta kiểm soát dịch giai đoạn đầu và hiện nay tiếp tục kiểm soát ở thế chủ động, ngăn chặn lây lan. Việc dùng bộ kit theo tiêu chuẩn WHO, thông tin của Việt Nam rất công khai, minh bạch kịp thời đến người dân.
"22 giờ tối qua, tôi còn nhận được thông tin về các ca nhiễm mới rất là nhanh và minh bạch thông qua ứng dụng NCOVI, chúng ta có thể kiểm soát được. Tôi xin thay mặt UBTVQH gửi những tình cảm thân thiết, sự trân trọng và lời cảm ơn chân thành tới các cấp chính quyền, nhất là đội ngũ những người đang làm công tác ở tuyến đầu chống dịch. Đó là những thành viên trong Ban Chỉ đạo, y bác sỹ, nhân viên y tế, các nhà khoa học, chiến sĩ quân đội, công an…"- Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Chủ tịch Quốc hội nêu con số ấn tượng như có 7.000 người Việt Nam ở các tâm dịch được đón trở về nước; 700 tiếp viên hàng không đang làm công việc nguy cơ lây nhiễm đăng ký xin không nhận lương, nghỉ không lương 2-3 tháng.
Gần 300 bác sĩ, y tá về hưu tại Hà Nội xin đăng ký trở lại bệnh viện để góp phần phòng chống dịch dù biết hằng ngày thông tin về dịch bệnh rất nhiều nhưng họ vẫn tình nguyện quay trở lại chống dịch, dù trong độ tuổi nhạy cảm với dịch. Dù họ ở trong độ tuổi nhạy cảm với dịch trên dưới 60 tuổi nhưng vẫn xung phong chống dịch.
Hàng ngàn cán bộ chiến sĩ hơn cả tháng nay phải ngủ bạt, ngủ lều giữa rừng để nường chăn gối cho người cách ly. Khu cách ly được cung cấp suất ăn miễn phí với tiêu chuẩn cao hơn gấp đôi của chiến sĩ.
Hay có những doanh nghiệp tư nhân, khách sạn 4 sao cung cấp miễn phí tiền phòng, tiền ăn miễn phí cho người bị cách ly nước ngoài. Nhân viên khách sạn xin ở lại để phục vụ. Đó là những hình ảnh rất ấn tượng của Việt Nam.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế rất đáng băn khoăn khi số ca nhiễm mỗi ngày mỗi tăng, một số khách vãng lai đã vào Việt Nam đã đi khắp nơi trong nước...
Vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, việc xét nghiệm cách ly, ứng phó sẵn sàng mọi tình huống là đúng. Đồng thời, cần chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính.
"Bây giờ đi tiếp xúc với nhau, Chính phủ nói là không tập trung đông người và phải đeo khẩu trang. Tôi đề nghị khi họp phải đeo khẩu trang. Người trên 60 tuổi phải ở nhà, nếu không có việc gì cần thiết ra đường, phục vụ cho dân qua cổng thông tin điện tử Chính phủ, hạn chế gặp gỡ nhau, tăng cường làm việc trực tuyến"- Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Văn phòng Quốc hội đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để sắp tới làm việc trực tuyến với đại biểu Quốc hội chuyên trách mà không tổ chức họp tập trung.
"Thậm chí UBTVQH làm việc trực tuyến, ngồi tại phòng để họp, không cần tập trung ở phòng họp, chúng tôi sẵn sàng cho tình huống này, thậm chí ở nhà làm việc. Công việc vẫn trôi chảy"- Chủ tịch Quốc hội gợi ý.
Đáng chú ý, theo Chủ tịch Quốc hội, dịch bệnh này không chấm dứt vào cuối tháng 4 thì kỳ họp tháng 5 của quốc hội cũng phải tính toán.
"Gần 500 đại biểu Quốc hội, hàng trăm nhà báo, hàng trăm khách mời, nhân viên phục vụ kỳ họp thì rất khó. Sáng nay chúng tôi đã đặt 2 buồng khử khuẩn toàn thân"- Chủ tịch Quốc hội nói.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ là trong lúc khó khăn nhất, bà và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã điện thoại trao đổi ý kiến trong công tác phòng chống dịch.
"Mong Phó Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo nhưng cũng phải tranh thủ "ngủ một chút đi anh". Có một bài hát ngủ một chút đi anh trên mạng rất hay" - Chủ tịch Quốc hội động viên.
Bình luận (0)