Sáng 14-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về thí điểm cơ chế, chính sách phát triển TP HCM.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết TP HCM là đơn vị thu ngân sách lớn nhất nước, tỉ lệ điều tiết về Trung ương cũng đứng đầu. Tuy nhiên, hiện nay, TP HCM chỉ được để lại 18% tất cả các khoản thu, còn 82% đóng về Trung ương. Số khoản thu được để lại so với thời điểm trước năm 2017 đã bị giảm 5%.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, nếu đã cho TP HCM đặc thù thì đừng nói bớt - Ảnh: Hoài Dương
Chủ tịch QH cho rằng để TP HCM điều tiết tỉ lệ dưới 20% thì sẽ phát triển chậm. "Đã là đầu tàu của cả nước, là động lực mà đi chậm thì cả các toa phía sau sẽ chậm theo. Nên quy định cơ chế đặc thù không phải cho TP HCM mà cho cả nước" - Chủ tịch QH nêu rõ.
Đi vào nội dung cụ thể của cơ chế đặc thù cho TP HCM, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý để TP HCM được dự toán ngân sách TP trên cơ sở QH sẽ giao tổng thu, tổng chi. "Phải thay đổi cơ chế, giao chủ động để phù hợp với thực tế địa phương. Phải thay đổi cách làm như "chốt đồng này mua mắm, đồng này mua tương", không ăn mắm cũng không mua tương được" - bà Ngân nhấn mạnh.
Theo Dự thảo quy định cơ chế đặc thù, TP HCM được dư nợ không quá 90%, tăng thêm 20% so với quy định cũ. Chủ tịch QH đánh giá với GDP và thu ngân sách của TP HCM thì mức thu này hoàn toàn có thể chấp nhận được và được tính toán là không tác động tới nợ công.
Một nội dung khác theo dự thảo Nghị quyết là TP HCM được cho phép hưởng nguồn thu từ cổ phần hóa của Nhà nước, đồng thời, dự toán ngân sách cho đầu tư công trung hạn do QH đã phân giao cho TP HCM 18.800 tỉ đồng để thực hiện dự án chống ngập và 2 bệnh viện tuyến cuối cũng được giữ lại.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, TP HCM đã dự toán để thực hiện các mục tiêu này. "Nếu cho cái này mà lấy lại cái kia thì "hẹp hòi". Để 18.800 tỉ đồng cho TP HCM thì TP có thể tạo ra nhiều cái 18.800 tỉ đồng khác. Nếu đã cho đặc thù thì cho thêm chứ đừng nói bớt" - bà Ngân nhấn mạnh.
Chủ tịch QH cũng cho rằng "nếu cứ chia nhỏ nguồn lực thì cùng nắm tay nhau đi hàng ngang". "Ông Lý Quang Diệu có nói nếu tôi cần động lực phát triển, tôi nắm trong tay nguồn lực, tôi sẽ đầu tư vào người biết làm ăn, người có khả năng làm giàu để làm ra lực lượng của cải vật chất, kéo hết những người chưa biết làm ăn và nghèo đi theo" - Chủ tịch QH dẫn chứng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhắc lại mục tiêu muốn TP HCM là đầu tàu kinh tế, trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam nên tinh thần của Bộ Chính trị là thí điểm một số cơ chế cho TP. "Nhưng, tinh thần cả nước vì TP HCM, TP HCM vì cả nước; phải phù hợp với Hiến pháp và vượt khung so với luật hiện hành" - Bộ trưởng lưu ý.
Ông Dũng thừa nhận để TP HCM tăng thu với tinh thần đảm bảo hài hoà, phù hợp với điều kiện thực tế. "TP ngập lụt như thế, ô nhiễm như thế thì cho phép TP HCM quy định tăng thu lên. Dù vậy, cũng khó có thể áp dụng chung cho tất cả các TP khác vì cần nghiên cứu, dài hơi và căn cứ điều kiện thực tế" - Bộ trưởng Dũng cũng lưu ý thêm.
Bình luận (0)