Phóng viên: Bà có thể cho biết sự cần thiết của cơ chế, chính sách "đặc thù" đối với TP HCM?
- Bà Trần Kim Yến: Thời gian trước đây, TP HCM đã thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị khoá IX "Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2010" và sau này là Nghị quyết 16/2012 của Bộ Chính trị "Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020". Hai nghị quyết này đã hỗ trợ rất nhiều để TP HCM có được những chính sách "đặc thù" để phát triển mạnh hơn.
Thành ủy TP HCM cũng vừa sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 cho thấy TP đã có rất nhiều bước đột phá, với những giải pháp trọng tâm để phát triển. Tuy nhiên, TP HCM được xem như một đô thị đặc biệt; trung tâm về kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước nên rất cần những cơ chế, chính sách riêng, "đặc thù" để phát triển.
Một khảo sát gần đây đã cho thấy "chiếc áo của TP HCM đang mặc quá chật". Đó là 1 cán bộ công chức của TP phục vụ 287 người dân (bình quân cả nước chỉ có 187 người dân); hay 35 cán bộ công chức phục vụ 10 vạn dân (bình quân cả nước là 53). Điều đó cho thấy năng suất làm việc của cán bộ công chức TP HCM là rất lớn, gấp 1,5 lần so với bình quân cả nước. Dù vậy, chế độ tiền lương, đãi ngộ lại như mọi tỉnh, thành khác nên sự động viên đối với đóng góp của họ là chưa tương xứng.
Trong buổi làm việc của Bộ Chính trị với Thường vụ Thành ủy TP HCM mới đây, Tổng Bí thư đã nêu lên nhiều điểm nhấn để TP phát triển, như cho phép tiếp tục thí điểm những vấn đề mới phát sinh, tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP… Bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
- Qua báo chí thông tin thì thấy rằng Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã nhìn nhận đúng sự nỗ lực của Đảng bộ, tập thể chính quyền và nhân dân TP trong sự phát triển của TP HCM qua việc thực hiện Nghị quyết 16. Đây chính là nội lực, vấn đề tiên quyết để TP phát triển. Nhưng nếu TP chủ động xây dựng các giải pháp mà không có sự hỗ trợ của các cấp, các bộ - ngành trung ương thì cũng gặp nhiều cản trở, khó thành công.
TP HCM kiến nghị Trung ương giải quyết ách tắc nguồn vốn cho dự án tuyến Metro số 1 Ảnh: Hoàng Triều
Một ví dụ mới nhất là ách tắc nguồn vốn cho dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dù đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, sẽ được giải quyết rất sớm nếu TP HCM được phân cấp, phân quyền mạnh hơn, thưa bà?
- Việc này hoàn toàn chính xác. Nếu TP HCM được phân cấp, phân quyền, giao quyền chủ động thì sẽ không có việc tắc vốn cho dự án Metro số 1. Việc tắc vốn gây ra hệ quả về ùn tắc công trình, ảnh hưởng lớn đến nhà thầu thi công, làm chậm tiến độ công trình mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với đối tác cho vay vốn và nhà thầu nước ngoài.
Cá nhân bà mong đợi gì đối với việc tạo cơ chế, chính sách "đặc thù" cho TP HCM?
- Đúng như Tổng Bí thư phát biểu trong buổi làm việc của Bộ Chính trị với Thường vụ Thành ủy TP HCM mới đây là mặc dù Nghị quyết 16 không có chữ "đặc thù" nhưng trong nội dung đã thể hiện sự "đặc thù". Tổng Bí thư nhắn nhủ với TP HCM là những gì chưa có trong quy định, chưa có tiền lệ thì được thí điểm và từ thí điểm sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng. TP HCM cũng đã chủ động xây dựng 7 chương trình đột phá, trong đó mong muốn mỗi ngành, mỗi cấp, thậm chí mỗi người dân, phải cùng chung tay. Mỗi suy nghĩ nhỏ, sáng kiến nhỏ của cán bộ công chức và người dân TP đều có thể đóng góp vào sự nghiệp chung.
Tất nhiên, những chính sách thí điểm không thể phù hợp hoàn toàn, thậm chí có thể đụng chạm, rủi ro nhưng đã thí điểm thì phải chấp nhận.
Bà có kiến nghị cụ thể gì về cơ chế, chính sách "đặc thù" cho TP HCM?
- Khi TP HCM không có sự tự chủ trong tổ chức bộ máy chính quyền thì rất khó đáp ứng yêu cầu thực tế. Về phân cấp, phân quyền, ủy quyền hiện nay được thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng chưa cụ thể nên khi triển khai về TP HCM còn nhiều vướng mắc.
Giải quyết các điểm nghẽn sẽ giúp TP HCM thu được thêm nhiều ngân sách, kinh tế phát triển mạnh hơn, đóng góp vào sự phát triển của cả nước sẽ lớn hơn. Cơ chế, chính sách "đặc thù" không phải dành riêng cho sự phát triển của TP HCM, mà là cho sự phát triển của cả nước.
Thủ tướng báo cáo kết quả về kinh tế - xã hội
Hôm nay, 23-10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XIV sẽ chính thức khai mạc và dự kiến bế mạc vào ngày 26-11. Đáng chú ý, trong ngày làm việc đầu tiên, QH sẽ nghe Thủ tướng trình bày báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. QH cũng nghe dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi); dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao.
Công đoàn giữ vai trò quan trọng trong đóng góp nhân lực
Theo bà Trần Kim Yến, tổ chức Công đoàn TP HCM giữ vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào nguồn nhân lực của TP để thực hiện 7 chương trình đột phá. Sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của CNVC-LĐ TP góp phần rất lớn cho sự phát triển của TP HCM. "Điều quan trọng là Công đoàn cùng với doanh nghiệp thúc đẩy phong trào sáng tạo, đóng góp sáng kiến đi vào thực chất, ghi nhận, áp dụng các sáng tạo, sáng kiến vào sản xuất, đời sống. Từ nhiều năm nay, phong trào lao động giỏi - lao động sáng tạo và Giải thưởng Tôn Đức Thắng đã chứng minh điều này" - bà Yến nói.
Bình luận (0)