Ngày 12-6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã có những chia sẻ về cách ông nhìn nhận những tranh luận của các đại biểu tại nghị trường.
Ông nói: "Tôi rất cảm ơn tranh luận của ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh). Với tinh thần cầu thị, tôi cảm ơn đại biểu Phương đã tranh luận lại, nhưng thực chất tôi coi đó là lời góp ý quý dành cho mình. Có đôi khi mình cần phải tiết chế cảm xúc, sử dụng từ ngữ chừng mực hơn khi phát biểu tại nghị trường, tránh sự hiểu nhầm và tạo bức xúc không đáng có cho người khác".
Về nội dung phát biểu liên quan đến vụ việc ở Đồng Tâm, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho biết: "Hôm đó tôi chuẩn bị ý kiến phát biểu về vấn đề tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và kiến nghị của cử tri, nhất là kiến nghị của cử tri do ĐBQH chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền. Khi Tổng thanh tra Chính phủ giải trình, tôi thấy không đề cập đến trách nhiệm của ngành thanh tra, dường như lỗi là của các bộ ngành và các địa phương, vì vậy tôi đã đề nghị được tranh luận vấn đề đó".
"Để dẫn chứng các vấn đề, tôi nêu ra 3 vụ việc do cá nhân tôi trực tiếp theo dõi giám sát: vụ bến xe Thượng Lý (Hải Phòng), vụ tố cáo cổ phần hoá Tổng công ty Vận tải thủy (Bộ Giao thông Vận tải) và vụ Đồng Tâm (Hà Nội). Cả 3 vụ nêu trên, vai trò của Thanh tra Chính phủ rất mờ nhạt, trong khi đó lẽ ra phải có trách nhiệm trong việc đôn đốc, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện"-ông Nhưỡng nói.
Ông Lưu Bình Nhưỡng được chú ý bởi những phát ngôn thẳng thắn tại nghị trường- Ảnh: Quochoi.vn
Ông giải thích thêm về phát ngôn của mình: "Khi đề cập tới vụ Đồng Tâm là việc cuối cùng, thời gian 3 phút rất ngắn, tôi nhìn bảng điện tử chỉ còn rất ít thời gian nên đành phải tăng tốc kẻo hết giờ lại bị nhắc nhở phải xin thêm thời gian như hôm trước nói về vấn đề an toàn thực phẩm, rất ngại. Do đó đã không thể hiện hết ý các nội dung cần thiết, gây nên hiểu lầm".
"Tôi muốn đề cập đến câu chuyện ngày 15-4 xảy ra ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, lực lượng vào bắt giữ những người bị khởi tố tội chống người thi hành công vụ nhưng do cách làm không hợp lý, trong đó có việc gây thương tích nặng, làm gãy chân cụ Lê Đình Kình, một người đã hơn 80 tuổi đời và 60 năm tuổi Đảng, khiến cụ phải nằm viện dài ngày".
Việc đó gây phản cảm và bức xúc cho bà con nên dẫn đến việc bà con bắt giữ các sĩ quan và chiến sĩ cảnh sát cơ động, đến khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải vào đối thoại mới đưa được anh em về.
Ông khẳng định lại: "Điểm tôi muốn đề cập đến trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ là: Tại sao vụ việc liên quan đến đất đai sân bay Miếu Môn thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, Thanh tra thành phố ra quyết định thanh tra "sân bay Miếu Môn" là vượt thẩm quyền, nhưng Thanh tra Chính phủ không tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo việc thanh tra đó chứng tỏ sự hạn chế, thiếu trách nhiệm. Cái chính là nhấn mạnh điểm này chứ không phải nói về việc Đồng Tâm. Vì vậy, tôi xin nêu lại vấn đề để rõ ý kiến của tôi. Thực sự, nếu đủ thời gian 7 phút, tôi sẽ trình bày đầy đủ, chính xác hơn để không bị hiểu nhầm. Tôi cũng cảm thấy tiếc vì việc đó".
"Xung quanh vụ việc ở Đồng Tâm còn khía cạnh khác có liên quan đến công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo là ở chỗ đối với các vụ việc như vậy thì các cơ quan đã không chịu lắng nghe dân, thiếu quan tâm đến việc giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân, gây bức xúc thời gian dài, như vậy là chưa làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Tham dự cuộc đối thoại tại Đồng Tâm, tôi chứng kiến việc người dân bức xúc việc đó, khi đối thoại đồng chí Chủ tịch UBND thành phố cũng đã nêu ý kiến là vụ việc xảy ra đáng tiếc như thế cũng có trách nhiệm của các cơ quan của thành phố chưa kịp thời vào cuộc.
Bình luận (0)