Ngày 7-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện luật này. Luật Đấu thầu đã có quy định về các trường hợp chỉ định thầu và giao cho người có thẩm quyền quyết định nhưng trong thực tế thi hành đã gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng chỉ định thầu đối với một số trường hợp cấp bách trong mua sắm phục vụ phòng chống dịch bệnh, xây dựng công trình khẩn cấp, công trình, dự án có quy mô lớn cần đẩy nhanh tiến độ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu đã có quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt khi gói thầu xuất hiện các yếu tố đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác (như đấu thầu, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh…), nhưng chưa quy định trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt, dẫn đến áp dụng không thống nhất trong quá trình thực hiện.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu còn một số mặt hạn chế, như hành vi "thông thầu", "gian lận"… vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi; năng lực, kinh nghiệm của một số người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu chưa đáp ứng yêu cầu; còn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho cấp trên, các bộ và Thủ tướng Chính phủ mặc dù đã được luật phân cấp.
Tại dự thảo luật, Chính phủ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp chỉ định thầu (tại Điều 21) nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng trong các trường hợp cấp bách hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm như gói thầu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; gói thầu thuộc các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay; gói thầu thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư…
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết đối với chỉ định thầu, dự thảo luật quy định 10 trường hợp chỉ định thầu. Theo cơ quan thẩm tra, dự thảo luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu "nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế".
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường
Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần giới hạn việc áp dụng chỉ định thầu với các trường hợp đặc thù, gồm: Dự án cấp bách; bảo đảm bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; các trường hợp đặc thù gắn với việc bảo đảm yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ.
"Đề nghị Chính phủ rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu" - ông Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra.
Có ý kiến đề nghị nên áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với những trường hợp mua sắm hàng hóa tương tự với đấu thầu với điều kiện giá của hàng hóa mua sắm được định giá không thấp hơn giá đã trúng thầu trước đó, giá chỉ định thầu không cao hơn giá đã trúng thầu trước. Có ý kiến nhất trí mở rộng các trường hợp chỉ định thầu nếu chứng minh hiệu quả hơn đấu thầu.
Về một số vấn đề cụ thể, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết tại điểm b khoản 1 dự thảo luật quy định "gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, vật tư, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân", đề nghị làm rõ là trong trường hợp đã công bố dịch hay tình trạng khẩn cấp về dịch theo pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm để bảo đảm thuận lợi cho quá trình áp dụng.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng chỉ định thầu đối với gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế mà không cần phải trong trường hợp phòng, chống dịch để bảo đảm với đặc thù của ngành y tế, nhằm tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân và giải quyết được những vướng mắc trong công tác đấu thầu của ngành y tế.
Điều 21. Chỉ định thầu
1. Chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật Nhà nước; gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, hàng hoá, xây lắp cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu xây dựng theo lệnh khẩn cấp theo quy định của pháp luật về xây dựng;
b) Gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, vật tư, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân;
c) Gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do cần bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu cung cấp hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được duy nhất loại hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế này mới vận hành được;
d) Dự án, gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia;
đ) Gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm, mua bản quyền sở hữu trí tuệ;
e) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng được chỉ định cho tác giả của phương án kiến trúc trúng tuyển theo quy định của pháp luật về kiến trúc khi tác giả có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng, trường hợp tác giả của phương án kiến trúc trúng tuyển không đủ điều kiện năng lực thì được liên danh với nhà thầu khác để thực hiện; gói thầu thi công xây dựng, sửa chữa, phục chế tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng, tác phẩm nghệ thuật gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến thi công công trình;
g) Gói thầu thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; gói thầu thi công rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng công trình; gói thầu tái định cư;
h) Gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo nghị quyết của Quốc hội;
i) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn.
(Theo Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi))
Bình luận (0)