Đình Tân Thông (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM) - ngôi đình đã tồn tại 173 năm - hiện được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố
Với người dân nơi đây, đình Tân Thông không chỉ là chỗ thờ cúng văn hóa tâm linh mà còn là nơi ghi nhớ những dấu ấn lịch sử và cuộc cách mạng nhân dân Tân Thông ngày xưa, tưởng niệm những người Mẹ Việt Nam anh hùng, các chiến sĩ đã ngã xuống trong 2 cuộc chiến...
Tại lối cửa chính vào ngôi đình này, bức bình phong khắc 2 câu đối "Vì Tổ quốc thời trai trẻ quyết ra đi - Yêu làng quê xin cống hiến tuổi già" - do chính tay nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải viết
Chiều 18-3, ngôi đình trở nên vắng lặng khi thiếu ông Hai Khải (tên bà con nơi đây thường gọi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) - người thường vào đình trò chuyện, uống trà với các lão làng
Ông Nguyễn Văn Hưng (tên thường gọi là Chín Nu), 76 tuổi nhưng đã 43 năm trông giữ ngôi đình này, kể từ lúc nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về hưu, mỗi ngày ông thường đến đình cùng các lão làng uống nước trà. Các câu chuyện mà họ chia sẻ với nhau thường bình dị, thân tình về đời sống
Ngôi đình Tân Thông được khang trang, sạch đẹp như hiện nay, ông Chín Nu cho biết nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người có công lớn nhất. Ông kể: "30 năm thời chiến tranh, ngôi đình chịu tàn phá nặng nề bởi bom đạn khi mái đình, sườn cây trơ gãy..., nhưng vẫn là nơi thờ cúng và cũng là hậu cứ của lực lượng thanh niên xung phong về khai hoang, lập nông trường sau ngày giải phóng. Từ năm 1996 tới 1998, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã vận động xin cây và đích thân ông trồng cây tại ngôi đình. Sau đó, ông vận động các mạnh thường quân đóng góp xây dựng và ngôi đình mới được kiên cố như vậy".
Bên trong ngôi đình còn những bia tưởng niệm về Mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sĩ đã ngã xuống, cùng tượng đài Tổ quốc ghi công để lưu giữ về một cuộc cách mạng hào hùng.
Tại khuôn viên phía trước của ngôi đình, những cây xanh do nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trồng vẫn xanh tốt và rợp bóng mát, nhưng người thì đã ra đi...
Bình luận (0)