Sáng 8-7, tại Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng đã diễn ra Hội nghị trực tuyến Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ASPC) với sự tham dự của 26 đối tác trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Ban Thư ký ASEAN. Hội nghị nhằm chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới, khu vực và vai trò của hợp tác quốc phòng trong bối cảnh Covid-19 và hậu Covid-19; nâng cao vai trò của hợp tác kênh quốc phòng - quân sự trong ARF cũng như sự kết nối mạnh mẽ hơn giữa ARF và ADNM+. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ADSOM+ Việt Nam chủ trì hội nghị.
Đoàn Việt Nam tại hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới, khu vực, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến thế giới và khu vực, khẳng định không một quốc gia nào có thể một mình đối phó với đại dịch mà phải hợp tác với nhau trong các cơ chế đa phương, tổ chức khu vực…
Nhiều ý kiến phát biểu tại Hội nghị cũng bày tỏ quan ngại rằng trong khi cả thế giới đang phải gồng mình chống dịch, vẫn xuất hiện những hành động đơn phương ảnh hưởng đến môi trường an ninh và ổn định ở khu vực. Vấn đề hoà bình, ổn định ở Biển Đông được nhiều đại biểu Bộ Quốc phòng các nước và Liên minh châu Âu nêu lên. Các đại biểu khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, bảo đảm Biển Đông là một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Các đại biểu nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình; nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Ông Nishida Yasunori, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại, Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cho rằng những nỗ lực hiện tại để thay đổi hiện trạng một cách đơn phương là không thể chấp nhận được. Điều này làm ảnh hưởng đến những nỗ lực hợp tác của các quốc gia trong khu vực và trong bối cảnh Covid-19, đó là một vấn đề ngày càng quan trọng, đặc biệt là trong vấn đề hàng hải. Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ lập trường của ASEAN, đặc biệt là tuyên bố chung của lãnh đạo Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 vừa qua, đó là giải quyết các vấn đề một cách hoà bình, các lãnh đạo ASEAN khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Ông Nishida Yasunori, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại, Bộ Quốc phòng Nhật Bản, phát biểu
"Chúng tôi tin vào một trật tự hàng hải mở, tự do dựa trên luật lệ ở Biển Đông. Chúng tôi đã chứng kiến một số sự kiện, trong đó có việc thiết lập các viện nghiên cứu cũng như thiết lập một huyện hành chính mới tại Biển Đông và một số hiện tượng khác có thể gây ra căng thẳng, ví dụ như một tàu đánh cá của Việt Nam chìm sau khi va chạm với tàu hải cảnh của Trung Quốc và điều này đã gây ra quan ngại ở khu vực Biển Đông. Vấn đề đạn đạo Bắc Triều Tiên cũng là vấn đề khiến cộng đồng quốc tế quan ngại"- đại diện Bộ Quốc phòng Nhật Bản nêu.
Theo vị trưởng đoàn Nhật Bản, cộng đồng quốc tế cần hợp tác cùng nhau để đối mặt với các khó khăn này, tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) là điều rất quan trọng, cũng như việc giải giáp các loại vũ khí, tên lửa đạn đạo…. "Nhật Bản có lợi ích trong việc duy trì một trật tự thế giới không Covid-19, và làm thế nào để trật tự thế giới mở dựa trên luật lệ là nền tảng của thế giới ngày nay không bị phương hại. Điều cần thiết là cần phải có sự hợp tác giữa các quốc gia cùng chia sẻ các giá trị. Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do của chúng tôi chia sẻ quan điểm của ASEAN. Để thực hiện chiến lược này, Nhật Bản sẽ thúc đẩy sự phát triển và phồn vinh của khu vực. Từ khi đại dịch Covid-19 nổ ra, nhu cầu đối thoại của các quốc gia thành viên vẫn không thay đổi mà chỉ có tăng lên. Chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin tự do, rộng mở và minh bạch về bệnh dịch…"- ông Nishida Yasunori nói.
Ông Guillaume Décot, Cơ quan Hành động đối ngoại, Liên minh Châu Âu (EU) cho biết EU thúc đẩy hòa hợp khu vực và trên thế giới thông qua nỗ lực về gìn giữ hòa bình, đồng thời nói về 2 vấn đề khu vực. Về vấn đề Biển Đông, các hành động đơn phương trong những tháng gần đây đã làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến môi trường an ninh hàng hải khu vực và đe dọa đến an ninh hòa bình khu vực.
EU kêu gọi tất cả các bên hãy kiềm chế, sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982; kêu gọi các bên không sử dụng vũ lực và tránh các hành độnng gây gia tăng căng thẳng khu vực.
"EU cũng ủng hộ quan điểm của ASEAN về thiết lập một trật tự dựa trên luật lệ và cũng như quản trị biển dựa trên luật lệ. Đây là cách duy nhất để duy trì lòng tin và sự đồng thuận"- đại diện EU nhấn mạnh.
Ông Mike Thompsom, Cục trưởng Cục Châu Á, Tổng cục Quốc tế, Bộ Quốc phòng NewZealand, nhấn mạnh: Chúng ta đang đối mặt với Covid-19 song cũng không quên những thách thức an ninh trong khu vực. New Zealand khuyến khích duy trì hòa bình ổn định trong khu vực dựa trên luật pháp quốc tế, để đảm bảo xây dựng được trật tự phù hợp đặc biệt các vấn đề liên quan đến hàng hải.
"NewZealand cũng có lợi ích ở Biển Đông vì hơn 50% lượng hàng hóa bằng đường biển của chúng tôi đi qua khu vực này. Chúng tôi cũng ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN trong khu vực Biển Đông để hướng tới xây dựng COC, Ngoài ra, đảm bảo lợi ích của quốc gia khác trong khu vực, chúng tôi ủng hộ cơ chế mà ASEAN giữ vai trò trung tâm"- đại diện Bộ Quốc phòng New Zealand nhấn mạnh.
"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, đảm bảo ổn định và thịnh vượng khu vực. Khi chúng ta có thiện chí cùng nỗ lực thì có thể giải quyết bất đồng"- đại diện Bộ Quốc phòng NewZealand nói, đồng thời cảm ơn Việt Nam tổ chức hội nghị này, đây cơ hội đối thoại để tìm giải pháp cho những thách thức phải đối mặt.
Một số hình ảnh:
Bình luận (0)