Ngày 30-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch - Ảnh: Nhật Bắc
"Chúng ta không được nhầm những biện pháp điều chỉnh cho khu vực TPHCM mà áp dụng cho cả nước thì rất nguy hiểm. Ngay trong khu vực TP HCM, có những vùng còn tương đối an toàn vẫn phải thực hiện truy vết đến F1, F2, ví dụ như một số xã ở huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ "- Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng cho rằng mặc dù năng lực xét nghiệm của các địa phương tăng lên nhanh, với nhiều đổi mới cụ thể nhưng một số nguyên tắc không được thay đổi.
Thứ nhất là phải áp dụng các biện pháp chống dịch sớm hơn một bước, cao hơn một mức.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã ban hành Quyết định 2686 về đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch Covid-19, với 4 mức nguy cơ (rất cao, cao, nguy cơ, bình thường mới). Mức rất cao (vùng đỏ) áp dụng Chỉ thị 16 và cao hơn Chỉ thị 16; mức cao (vùng da cam) áp dụng Chỉ thị 15.
Lãnh đạo các địa phương phải nắm vững tinh thần Quyết định 2686, chỉ đạo cập nhật tình hình dịch bệnh ở địa phương lên hệ thống toàn quốc, từ đó Ban Chỉ đạo sẽ phân tích, đưa ra cảnh báo.
"Chúng ta phải áp dụng các biện pháp sớm hơn, cao hơn, nhất định không được muộn hơn, thấp hơn"- Phó Thủ tướng nêu rõ và lấy ví dụ trong 19 tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện Chỉ thị 16 thì các tỉnh phía nam sông Hậu và Bình Phước chưa đến mức phải làm như vậy nhưng vẫn phải thực hiện.
Hoặc đối với TP Hà Nội, khi hệ thống cảnh báo mức đỏ, Phó Thủ tướng đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo thành phố để báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng Chỉ thị 16.
"Chúng ta quyết định giãn cách cả 19 tỉnh với mục đích là để tập trung cao độ thực hiện nghiêm việc giãn cách, củng cố và mở rộng vùng an toàn, từ đó hình thành vành đai an toàn xung quanh khu vực TP HCM, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh ra, vì phải hằng tháng nữa mới kiểm soát được tình hình ở khu vực này"- Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo quận Bình Tân (TP HCM) trước một khu nhà trọ công nhân đang bị phong toả, chiều 25-7 - Ảnh: Đình Nam
Ông Vũ Đức Đam nêu rõ phải tiếp tục kiên trì chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị. Cụ thể, vẫn phải truy vết, cách ly F0, F1 trừ những nơi thí điểm dần dần cách ly F0 ở nhà an toàn, còn những nơi có ít ca nhiễm thì phải truy vết đến cùng, thậm chí là F2, F3.
Khoanh vùng, thực hiện giãn cách phải nghiêm ngay từ đầu. Chỉ cần chúng ta thực hiện đúng theo Chỉ thị 16, ai ở đâu yên đấy, nhà cách ly với nhà thì dịch bệnh sẽ không bùng phát.
Các địa phương quán triệt tinh thần khoanh hẹp nhỏ nhất có thể, còn khi chưa đủ căn cứ thì tạm thời khoanh rộng, khẩn trương điều tra dịch tễ để khoanh gọn lại.
"Khoanh hẹp thì các đồng chí mới có lực lượng để quán triệt, làm nghiêm. Khoanh rộng mà để lỏng thì cực kỳ nguy hiểm. Giống như một khu rừng đang cháy, bao rộng xung quanh nhưng bên trong không làm gì thì sẽ cháy hết"- Phó Thủ tướng nhắc nhở.
Nhấn mạnh công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thực tế gần đây, một số địa phương bắt đầu có xu hướng xét nghiệm quá thoải mái. Trong khi giá thành một bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh còn đắt hơn một liều vaccine mà nhiều nơi xin hỗ trợ mua hàng trăm nghìn, hàng triệu bộ.
Dàn hàng ngang xét nghiệm, ngoài việc tốn kém chi phí thì còn rất nguy hiểm vì gây tâm lý chủ quan cho người dân, khi kết quả xét nghiệm nhanh âm tính thì không tuân thủ đầy đủ 5K.
Đối với điều trị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải rất sáng tạo và thực tiễn. Từ mô hình điều trị "tháp 3 tầng" của Bộ Y tế, TP HCM đã phân chia thành 5 lớp.
Trong đó, lớp đầu tiên tiếp nhận người nhiễm Covid-19 không triệu chứng cần chăm lo, quan tâm đầy đủ cho bà con từ chế độ ăn uống, vận động đến hỗ trợ nhau trong sinh hoạt hằng ngày. Lớp thứ nhất, thứ hai thì chính quyền cơ sở lo được, còn ngành y tế thì chuyên sâu vào lớp thứ tư, thứ năm và một phần lớp thứ ba. Mỗi lớp điều trị đều đặt chỉ tiêu để giảm tỉ lệ số ca phải chuyển lên tuyến trên.
Trước tình trạng nhiều bệnh viện tư nhân, thậm chí một phần bệnh viện công không muốn tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 dù còn giường trống, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TP HCM và các tỉnh phải huy động tất cả lực lượng y tế tư nhân vào ngay từ đầu, từ điều trị cho đến tiêm vắc-xin.
Phó Thủ tướng cho biết ông đã cùng với lãnh đạo TP HCM kêu gọi và đã có những bệnh viện tư nhân bắt đầu chuyển sang điều trị bệnh nhân Covid-19. Chúng ta cũng cần có những biện pháp chính sách hỗ trợ phù hợp cho các bệnh viện này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ giao Bộ Y tế phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 cho các địa phương nhưng trong lúc này, tình hình tại khu vực TP HCM đã khác.
Chiến lược hiệu quả nhất lúc này đối với khu vực TP HCM là phải tập trung tiêm vắc-xin hết cho người dân trong thời gian sớm nhất có thể để tạo miễn dịch cộng đồng. Sau đó, sẽ khoanh gọn khu vực này, không để dịch lây lan ra khu vực khác. Điều này rất quan trọng bởi vì vắc-xin chỉ có đầy đủ tác dụng bảo vệ sau khoảng 1,5 tháng.
Người tiêm vắc-xin rồi vẫn có thể bị nhiễm và lây cho người khác nhưng tỷ lệ diễn biến bệnh nặng sẽ ít đi. Nếu không, số người bị bệnh nặng và tử vong sẽ rất nhiều, khi toàn bộ hệ thống điều trị, dù có tăng cường chi viện thêm, nhưng sau thời gian dài sẽ vô cùng mệt mỏi, để lây nhiễm trong đội ngũ y tế.
Hiện nay, lô vắc-xin nào về Bộ Y tế cũng đứng trước sức ép ký phân bổ ngay cho các địa phương, dù có ưu tiên cho Hà Nội, TP HCM nhưng sẽ không đủ thực hiện chiến lược có miễn dịch cộng đồng sớm nhất cho khu vực TP HCM.
"Tôi trực tiếp chứng kiến tận mắt những vất vả của nhân dân và lực lượng chống dịch TP HCM. Tôi nhận thức sâu sắc nguy cơ tỷ lệ tử vong rất cao nếu chúng ta chậm tiêm vắc-xin cho người dân TP HCM để đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể. Tôi không biết nói gì hơn và tha thiết đề nghị Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố trong thời điểm này, nhường một phần vắc-xin để TP HCM tiêm trước cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng. Đây là tinh thần cả nước hướng về TP HCM. Thời điểm này từng liều vắc-xin cực kỳ quý giá sẽ giúp được TP HCM chống dịch và cứu được nhiều người hơn"- Phó Thủ tướng chia sẻ.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc TP HCM sẽ tuyên truyền cho người lao động ngoại tỉnh ở lại tiêm vắc-xin. Ông đã bàn với lãnh đạo thành phố, sau khi tiêm xong vắc-xin sẽ tổ chức cho công nhân đi làm tiếp, hoặc làm các công việc công ích vừa có thu nhập, giảm bớt cứu trợ, vừa giúp mọi người được lao động trong trạng thái bình thường mới.
Mặc dù quy định, kế hoạch về tiêm vắc-xin của Bộ Y tế rất tốt, khoa học nhưng với điều kiện hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị giao cho TPHCM lập kế hoạch tiêm vắc-xin nhanh nhất có thể. Ông sẽ bàn rất kỹ với lãnh đạo TP HCM về phương án tiêm vắc-xin theo cụm thay vì theo đối tượng.
"Nếu lượng vắc-xin hiện tại chưa tiêm hết thì những lô vắc-xin tới đây sẽ tập trung cho TP HCM. Còn chung cả nước, chúng ta phải vẫn phải thực hiện nghiêm các văn bản phòng, chống dịch từ trước đến nay, cố gắng khống chế, không để dịch bệnh lan như TP HCM và một số nơi"- Phó Thủ tướng quả quyết.
Phó Thủ tướng cho rằng về sản xuất công nghiệp trọng tâm là rất an toàn. Bắc Giang, Bắc Ninh là mô hình tốt nhưng không thể mang nguyên mô hình này áp nguyên cho TP HCM, "3 tại chỗ" ở TP HCM cũng phải khác, từng tỉnh cũng khác.
Nguyên lý cần đảm bảo là khi sản xuất phải giãn cách ở bên trong, giảm mật độ công nhân, phân ca, phân kíp để nếu có ca nhiễm thì chỉ một bộ phận nhỏ bị, và có thể cách ly ngay; đồng thời đảm bảo linh hoạt từng nơi, không áp dụng cứng nhắc.
Lo đầy đủ đời sống, chăm sóc y tế cho người dân
Do dịch đã nhiễm rất rộng, ngấm rất sâu ở khu vực TPHCM nên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần có những biện pháp đặc biệt.
Thứ nhất là khu vực này phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để giảm lây lan. Đối với những vùng còn an toàn, nguy cơ chưa cao, phải giữ cho bằng được. Giống như một khu rừng đang cháy, còn chỗ nào lửa chưa lan đến thì phải giữ bằng được.
Thứ hai là cả chính quyền đoàn thể và các tổ chức làm thiện nguyện cùng tham gia chăm lo đời sống hằng ngày cho người dân. Lực lượng làm thiện nguyện giống như lực lượng xung kích chống dịch, phải được tổ chức, phát phù hiệu, tiêm vaccine vì họ sẽ là người len lỏi tới tận mọi ngóc ngách để đưa lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cũng như các trợ giúp khác đối với người dân đang trong khu cách ly, phong tỏa.
Thứ ba là chúng ta phải xây dựng hệ thống giám sát y tế tại cộng đồng bảo đảm bất kỳ ai trong khu vực dân cư nào có triệu chứng nhiễm Covid-19 hoặc các bệnh khác cần có sự hỗ trợ y tế thì phải được tiếp cận và hỗ trợ ngay. Có như vậy, người dân mới yên tâm ở trong nhà.
"Hệ thống giám sát y tế cộng đồng gồm 2 lớp. Một lớp là mạng lưới hàng ngàn thầy thuốc hỗ trợ từ xa qua mạng cho người dân ở trong khu vực cách ly y tế, phong tỏa. Lớp thứ hai, quan trọng và quyết định là phải tổ chức lại lực lượng y tế trên địa bàn TP HCM, giám sát đến từng khu dân cư.
"Đội ngũ y tế sau nhiều ngày chống dịch đã rất mệt mỏi nên khu vực TP HCM phải tổ chức lại đội ngũ lấy mẫu, xét nghiệm như hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm, từ đó giảm tải và có thêm người hỗ trợ y tế cho người dân ngay tại cộng đồng" - Phó Thủ tướng nói.
Bình luận (0)