Sở Nội vụ TP HCM vừa báo cáo UBND thành phố tình hình TP Thủ Đức sau gần 2,5 năm thành lập.
TP Thủ Đức được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập cuối năm 2020 trên cơ sở sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức.
Ngày 1-1-2021, Nghị quyết 111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức có hiệu lực. Thủ Đức trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam thuộc loại hình đơn vị hành chính "thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương".
TP Thủ Đức kỳ vọng đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước
Theo Sở Nội vụ, sau khi được thành lập, TP Thủ Đức đã tổ chức ổn định bộ máy, tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sáp nhập. Đồng thời tiếp tục rà soát, xây dựng, triển khai các nội dung theo chỉ đạo của Thành ủy Thủ Đức và UBND TPHCM, TP Thủ Đức duy trì các hoạt động thường xuyên, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan và đời sống hằng ngày của người dân.
Tuy nhiên, Sở Nội vụ nhìn nhận thực tiễn của quá trình vận hành TP Thủ Đức theo mô hình mới đã đặt ra yêu cầu và những thách thức rất lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như: quy hoạch, quản lý quy hoạch, đất đai, môi trường, quốc phòng an ninh, giải quyết các vấn đề xã hội.
Nhất là phát huy và tối ưu hóa các nguồn lực, các tiềm năng, thế mạnh của TP Thủ Đức. Điều này đòi hỏi TP Thủ Đức cần sớm được tạo điều kiện về cơ chế hoạt động có tính chất ưu việt hơn từ Trung ương và TP HCM để đảm bảo vận hành hiệu quả theo mô hình chính quyền đô thị "thành phố trong thành phố" đầu tiên của cả nước.
Mặt khác, việc phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức mặc dù được lãnh đạo TP HCM rất quan tâm nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay; công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức (nhất là công chức lãnh đạo, quản lý) sau khi sáp nhập gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
TP Thủ Đức chưa có được sự chủ động về nguồn lực để phát triển như định hướng và mục tiêu đã hoạch định, các nguồn thu chiếm tỷ lệ cao không thuộc thẩm quyền của địa phương như: thuế xuất nhập khẩu, hoạt động cảng biển; tỷ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương từ hoạt động nguồn thu thuế công thương nghiệp chiếm tỷ lệ 18%...
Do đó, kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cho áp dụng có thời hạn trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội như: quy định cụ thể những nội dung liên quan đến việc phân bổ ngân sách cho các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp; việc giữ nguyên số lượng cấp phó của một số cơ quan…
Bình luận (0)