Ngày 4-4, UBND TP Thủ Đức (TP HCM) tổ chức hội thảo chuyên đề "Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng GIS dùng chung để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư và các lĩnh vực khác trên địa bàn thành phố Thủ Đức".
Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức chủ trì hội thảo.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho hay hội thảo nhằm tổng hợp, tiếp thu những ý kiến, nhận định, đề xuất giải pháp của các nhà quản lý, các chuyên gia và tiến hành hoàn thiện nội dung dự thảo đề án "Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng GIS dùng chung để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư và các lĩnh vực khác trên địa bàn TP Thủ Đức" và trình UBND TP HCM xem xét, phê duyệt.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng chỉ ra 3 thách thức khi xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng GIS.
Thứ nhất, dữ liệu không gian địa lý không chỉ riêng TP Thủ Đức mà cả TP HCM cũng như cả nước nằm phân tán, rời rạc, nhiều cơ quan, đơn vị quản lý theo chuyên ngành của mình. Các đơn vị quản lý theo chuyên ngành nên không thể chỉnh lý từng dữ liệu mà sử dụng công nghệ để liên thông để dùng chung.
Thứ hai, thách thức từ đội ngũ cán bộ. Hiện nay, cán bộ đang quen quản lý dữ liệu thuộc tính, tức hồ sơ gồm có dữ liệu A, dữ liệu B… Nhưng nên hiểu dữ liệu GIS là dữ liệu tổng thể, trong đó bao gồm dữ liệu thuộc tính và dữ liệu không gian.
Thứ ba, trong quá trình thực hiện đề án này phải xây dựng "luật chơi", quy trình để có các đơn vị liên quan thống nhất sử dụng chung, chia sẻ chung, hệ thống quản trị chung. Mỗi đơn vị chuyên ngành chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu nhưng được quản trị chung trên TP Thủ Đức.
TS Bùi Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin Tài nguyên - Môi trường, nhận xét dữ liệu về không gian địa lý đang nằm rời rạc ở các sở, ngành, vì vậy cần có chiến lược quy tụ dữ liệu này về để cùng nhau khai thác.
"Trước tiên, vấn đề không phải là công nghệ mà là cơ chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ban, ngành, giữa các kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Người dân, cũng như công tác quản lý vẫn đang đợi việc này" – ông Sơn nói.
TS Bùi Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin Tài nguyên - Môi trường
Từ đó, ông Sơn cho rằng TP Thủ Đức nên rà soát, đẩy mạnh số hoá dữ liệu và xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu dùng chung để phục vụ cho TP Thủ Đức trong quản lý đô thị và phát triển kinh tế xã hội.
"Công nghệ thì phát triển nhanh lắm. Nên chọn công nghệ phù hợp, tiên tiến mà không quá hiện đại để đem lại hiệu quả nhanh cho TP Thủ Đức và phục vụ kịp thời cho người dân và quan trọng là sự lan tỏa để sử dụng hiệu quả dữ liệu đã đầu tư" – TS Bùi Hồng Sơn nói.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Viettel Solutions
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Viettel Solutions, cho rằng TP Thủ Đức số hóa dữ liệu rất nhiều nhưng chưa có nền tảng chứa dữ liệu tập trung. Trước mắt, TP Thủ Đức nên đồng bộ dữ liệu hiện có. Đồng thời, rà soát và kết nối các ứng dụng đang triển khai để tiếp tục tích hợp dữ liệu, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Đồng quan điểm, theo bà Nguyễn Thị Thiêm, Phó Chủ tịch hội Doanh nghiệp TP Thủ Đức, người dân cần cái thiết thực nhanh nhất, gần nhất. Hiện nay, thủ tục xin giấy phép xây dựng rất khó khăn, riêng việc này thôi nếu làm được thì sẽ "nâng tầm TP Thủ Đức".
Bà Nguyễn Thị Thiêm, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP Thủ Đức.
TS Lâm Đạo Nguyên, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ vũ trụ TP HCM, cho rằng hầu hết dữ liệu liên quan tới dữ liệu không gian địa lý. Càng ngày dữ liệu được thu thập ở đâu đó và vấn đề là tích hợp như thế nào. Để dữ liệu "sống" cần phải cập nhật để sử dụng chính xác. Dữ liệu cần được chia sẻ cho các đơn vị khác và phân quyền truy cập để sử dụng hiệu quả.
Bình luận (0)