Sáng nay 17-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27-4-2021 đến nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp - Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu mở đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản trên phạm vi toàn quốc, đang từng bước chuyển sang giai đoạn mới, ngày 11-10 vừa qua, Ban Chỉ đạo và Chính phủ đã thống nhất ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chuyên môn y tế thực hiện quy định này.
Thủ tướng đề nghị các địa phương báo cáo, phản ánh về tình hình sau 1 tuần thực hiện Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế, những điểm còn vướng mắc, chưa thống nhất để sửa đổi, bổ sung quy định.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số nơi chưa làm theo đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, tạo ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho nhân dân. Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được quy định trái với quy định của Trung ương, nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo cấp trên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ vẫn còn một số nơi chưa làm theo đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, tạo ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho nhân dân - Ảnh: TTXVN
Tại hội nghị, thay mặt Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trên một số lĩnh vực. Theo đó, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42%, quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các địa phương trọng điểm kinh tế. Dự kiến 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tình hình tài chính - ngân sách gặp khó khăn, phải huy động các quỹ dự trữ để chi phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội.
Đáng chú ý, người dân chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, mất mát về người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần. Đặc biệt, thu nhập, việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là đối với người lao động tại các khu công nghiệp, người dân sống phụ thuộc các nghề dịch vụ.
Cụ thể, đã có 560.000 người mất việc làm (4,4% lực lượng lao động); 4,1 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh (31,8%); 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên (34,1%); 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập. Tỷ lệ thất nghiệp riêng trong quý III/2021 là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý I/2020 đến nay.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 vẫn có những kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát (bình quân 9 tháng tăng 1,82%, dưới mức Quốc hội giao). An sinh xã hội, đời sống của người dân được đặc biệt quan tâm...
Đến nay, đã tiếp nhận 92,5 triệu liều vắc-xin và tiêm được hơn 61 triệu liều. Đến ngày 16-10, đã có 60,2% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và 24,7% đã tiêm đủ liều. Mặc dù xuất phát điểm chậm, song tỷ lệ tiêm ít nhất 1 mũi của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới do đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Ban Chỉ đạo cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà khoa học, các quốc gia nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được trong năm 2021-2022, có thể xuất hiện các chủng mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường, số ca nhiễm vẫn có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vắc-xin nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đối với Việt Nam, thời gian tới cần quán triệt các quan điểm bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.
Theo báo cáo, riêng kinh phí ngân sách Nhà nước đã cấp thực hiện phòng chống dịch Covid-19 là hơn 30.400 tỉ đồng. Trong đó, các bộ, cơ quan Trung ương đã sử dụng hơn 25.200 tỉ đồng (riêng Bộ Y tế 21.188 tỉ đồng, trong đó sử dụng mua vắc-xin hơn 15.500 tỉ đồng).
Ngoài ra, số tiền hỗ trợ các địa phương trong năm 2021 là 5.154 tỉ đồng (hỗ trợ đặc thù riêng cho một số địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và lan rộng: Hải Dương 270 tỉ đồng, TP HCM 2.000 tỉ đồng, Đồng Nai 500 tỉ đồng, Bình Dương 500 tỉ đồng).
Trong phòng, chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài. Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế-xã hội. Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vắc-xin, theo phương châm "cách ly, xét nghiệm là then chốt, vắc-xin, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết".
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cho rằng, cần đấy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và phát huy tính tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng về phòng, chống dịch Covid-19 để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Các địa phương chủ động xây dựng và tổ chức lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 trên cơ sở độ bao phủ vắc-xin, năng lực đáp ứng của hệ thống y tế và diễn biến dịch bệnh tại từng địa phương; khi thực hiện phong tỏa để phòng, chống dịch có hiệu quả thì từng bước nới lỏng các yêu cầu phòng, chống dịch với lộ trình cụ thể, khả thi để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm kiếm soát dịch bệnh.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 128/2021 và Quyết định 4800/2021 của Bộ Y tế Ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" để nhanh chóng nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch để phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, ổn định đời sống nhân dân, mở cửa trở lại các hoạt động giao thông, giáo dục, dịch vụ... Tiếp nhận, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp... trong quá trình thực hiện thích ứng an toàn.
Nghiên cứu tiêm mũi tăng cường (mũi 3)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian tới tiếp tục nhập khẩu vắc-xin và thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước để từng bước chủ động nguồn cung, đáp ứng nhu cầu năm 2022 và các năm tiếp theo.
Đáng chú ý, theo người đứng đầu Bộ Y tế, sẽ khuyến khích huy động nguồn lực địa phương, doanh nghiệp để mua vắc-xin nhưng phải quản lý chặt chẽ về cấp phép, bảo đảm chất lượng, bảo quản và tố chức tiêm miễn phí, an toàn, hiệu quả. Đẩy nhanh Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 toàn quốc.
"Tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thực hiện tiêm mũi tăng cường (mũi 3-PV) và triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học. Nghiên cứu việc xã hội hóa tiêm chủng vào thời điểm thích hợp"- ông Nguyễn Thanh Long nói.
Bình luận (0)