Trong công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 16-12, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư dự án xây dựng cầu Tân Kỳ- Tân Quý mới từ hình thức Hợp đồng Xây dựng- Vận hành (hoàn vốn bằng việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ) Chuyển giao (Hợp đồng BOT) sang dùng vốn ngân sách.
Động thái trên nhằm giải quyết vướng mắc tại dự án này sau khi Kiểm toán Nhà nước hồi tháng 8-2020 cho rằng các dự án cầu Tân Kỳ- Tân Quý mới không phù hợp theo Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được thực hiện dự án BOT trên đường hiện hữu).
Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý thi công được khoảng 70% nhưng bị đình trệ suốt 2 năm qua, người dân phải đi qua 2 cầu tạm. Ảnh: Gia Minh.
Để sớm hoàn thành dự án, UBND TP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho TP được phép giao các cơ quan chuyên môn lập đề xuất chủ trương đầu tư công đối với dự án cầu Tân Ký- Tân Quý, trình duyệt làm cơ sở triển khai tiếp dự án.
TP sẽ tự cân đối ngân sách để thực hiện tiếp dự án; thanh quyết toán đối với các hạng mục nhà đầu tư đã thi công và ký biên bản thanh lý để chấm dứt phụ lục hợp đồng BOT trước thời hạn.
Dự án xây dựng cầu Tân Kỳ- Tân Quý mới được bổ sung vào dự án BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương- An Lạc theo phụ lục hợp đồng được ký với nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng - IDICO vào năm 2018
Cầu Tân Kỳ- Tân Quý dài 83 m, rộng 16 m và đoạn đường dẫn dài 225 m; được IDICO triển khai từ năm 2017 với tổng mức đầu tư 312 tỉ đồng, sau đó được nâng lên 668 tỉ đồng do tính cả lãi vay trong thời gian xây dựng, chờ thu phí.
Đến giữa năm 2018, công trình thi công đạt 70% khối lượng xây lắp. Do vướng giải tỏa nên dự án đã dừng thi công. Đến tháng 8-2020, Kiểm toán nhà nước kết luận dự án không phù hợp thực hiện theo hình thức BOT. Việc dừng thực hiện dự án trên theo hợp đồng BOT đồng nghĩa với việc IDICO sẽ không kéo dài thêm thời gian thu phí giao thông ở trạm thu phí An Sương - An Lạc trên Quốc lộ 1, quận Bình Tân.
Bình luận (0)