Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao diễn ra dưới hình thức trực tuyến chiều 7-10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời các câu hỏi liên quan đến tình hình Biển Đông.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Anh tham gia diễn tập quân sự đa quốc gia - Ảnh: JMSDF
Phóng viên đề nghị bình luận về thông tin nhóm tàu sân bay Anh và tàu hộ vệ New Zealand đang hội quân ở Biển Đông, chuẩn bị tham gia đợt diễn tập lớn gần Singapore.
Bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động và hợp tác trên biển của các quốc gia cần tuân thủ Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, đóng góp có trách nhiệm vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các quốc gia về thượng tôn pháp luật, nhất là UNLCOS 1982, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và hợp tác ở Biển Đông.
Lực lượng Phòng không New Zealand hôm 6-10 thông báo khinh hạm Hải quân Hoàng gia HMNZS Te Kaha của nước này đã cùng nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh thực hiện hải trình tới Biển Đông để tham gia cuộc tập trận phòng thủ quốc tế quy mô lớn.
Tàu chiến hai nước sẽ song hành trong khoảng một tuần ở Biển Đông, trước khi tham gia diễn tập Bersama Gold 21 ngoài khơi Singapore từ ngày 8-10 đến 16-10 cùng với Úc, Singapore và Malaysia. Sự kiện này diễn ra để kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp ước phòng thủ ngũ cường (FPDA) vào năm 1971.
Tuyên bố của lực lượng trên nêu rõ, cam kết của New Zealand đối với an ninh khu vực đã được thể hiện trong nhiều thập kỷ, với các hoạt động ở khu vực Đông Nam Á. Việc triển khai quân thể hiện quyền tự do hàng hải và hàng không.
Lực lượng Phòng không New Zealand hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là hoạt động của tàu thuyền phù hợp với UNCLOS 1982.
New Zealand nhiều lần nêu quan ngại về căng thẳng trên Biển Đông. Hồi tháng 8 vừa qua, nước này đệ trình một tuyên bố lên Liên Hiệp Quốc để nêu rõ quan điểm pháp lý về những tranh chấp trên Biển Đông và khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS 1982. Công hàm của New Zealand cũng nhấn mạnh rằng cái gọi là "quyền lịch sử" mà Trung Quốc tuyên bố không có cơ sở về luật quốc tế.
Hải quân Hoàng gia Anh đang tiến hành chiến dịch năm 2021 tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là một phần trong cam kết của Vương quốc Anh đối với việc xây dựng hòa bình, an ninh hàng hải và thịnh vượng trong khu vực.
Bình luận (0)