Thực tế cho thấy việc bố trí cán bộ đang tồn tại nhiều bất cập. Nhiều trường hợp việc bổ nhiệm cán bộ dựa trên mối quan hệ cá nhân, sự bao che hoặc các yếu tố phi khách quan khác thay vì dựa trên năng lực, kinh nghiệm và phẩm chất của cá nhân.
Thực trạng đáng báo động
Điều này dẫn đến tình trạng người không có năng lực đảm nhiệm vị trí quan trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công việc. Việc đánh giá năng lực, phẩm chất của cán bộ chưa thực sự khách quan, toàn diện. Nhiều khi chỉ dựa vào một số tiêu chí hình thức như bằng cấp, học vị mà bỏ qua những yếu tố quan trọng khác như kỹ năng làm việc, khả năng sáng tạo, tinh thần trách nhiệm. Việc quy hoạch cán bộ chưa được thực hiện một cách bài bản, khoa học. Thiếu các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dài hạn để đáp ứng nhu cầu phát triển của tổ chức. Hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng cán bộ còn nhiều bất cập, chưa tạo ra được môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích người có tài.
Bài viết tham gia diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.
Việc này gây hậu quả khôn lường, như: Giảm hiệu quả làm việc. Khi người không có năng lực đảm nhận vị trí quản lý, công việc sẽ không được thực hiện hiệu quả, gây ra những sai sót, chậm trễ, thậm chí là thất bại. Bên cạnh đó, khi người tài không được trọng dụng, người không có năng lực lại được giao trọng trách, sẽ gây ra sự bất bình, giảm sút tinh thần làm việc của nhân viên. Ngoài ra, việc bố trí cán bộ không đúng sẽ làm giảm uy tín của tổ chức, gây mất lòng tin của nhân dân. Đặc biệt, việc đào tạo, bồi dưỡng những người không phù hợp với vị trí công tác sẽ gây lãng phí nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời, khi những người có năng lực không được trọng dụng, đất nước sẽ mất đi nguồn lực quý báu để phát triển.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Để làm tốt công tác cán bộ, đặc biệt là việc bố trí cán bộ đúng vị trí, đúng năng lực, cần xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá cán bộ một cách khoa học, toàn diện, bao gồm cả năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm làm việc và khả năng thích ứng. Việc đánh giá cán bộ cần được thực hiện một cách định kỳ để theo dõi sự tiến bộ và phát triển của từng cá nhân, từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Cần tạo điều kiện để cán bộ, công nhân viên được đóng góp ý kiến vào quá trình đánh giá, bổ nhiệm cán bộ. Cần xây dựng một cơ chế cạnh tranh công khai, minh bạch trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ để tạo điều kiện cho người có năng lực được thể hiện. Cần có những chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với yêu cầu của từng vị trí công tác, nhằm nâng cao năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ. Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng cán bộ, tạo ra một khung pháp lý chặt chẽ để quản lý việc bố trí, sử dụng cán bộ.
Cuối cùng là cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng cán bộ để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.
Nhân lực là động lực phát triển TP HCM
Nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM có 12 cán bộ nữ. Cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM quản lý: 16 cán bộ trẻ dưới 40 tuổi (tỉ lệ hơn 2%), 206 cán bộ nữ (tỉ lệ 26,2%). Cán bộ lãnh đạo là trưởng, phó phòng và tương đương: 269 cán bộ trẻ dưới 40 tuổi (42,9%), 211 cán bộ nữ (33,65%).
Nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031, đã quy hoạch 1.559 cán bộ, công chức, viên chức trẻ (dưới 35 tuổi) vào các chức danh diện cấp ủy trực thuộc Thành ủy, cơ quan, đơn vị quản lý; 20 cán bộ, công chức, viên chức trẻ (dưới 40 tuổi) vào các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM quản lý.
Tại hội nghị giao ban chuyên đề "Những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm, giải pháp thực hiện công tác tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ gắn với thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội" ngày 15-10, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển thành phố. Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị là yếu tố then chốt, là điều kiện tiên quyết để TP HCM thực hiện hiệu quả Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội.
N.Phan
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-10
Bình luận (0)